SCG tăng tốc M&A
Trong thông cáo báo chí về tình hình kinh doanh quý I/2018 của Tập đoàn SCG (Siam Cement Group - Thái Lan), ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG cho biết, Công ty TNHH Nawaplastic Industries, công ty con của SCG, đã mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), tăng cổ phần hiện có của Nawaplastic tại BMP lên 50,9%.
Như vậy, với tỷ lệ sở hữu quá bán của Nawaplastic, Nhựa Bình Minh, một trong những nhà sản xuất và phân phối ống nhựa hàng đầu Việt Nam, đã chính thức về tay người Thái.
SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động đa ngành, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992 và dần mở rộng đầu tư đa ngành trong tất cả các lĩnh vực thế mạnh của tập đoàn này.
Nâng ngân sách mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam lên hàng tỉ USD, SCG Thái Lan đã có mặt tại 21 công ty tại Việt Nam. Trong tham vọng mở rộng tại thị trường ASEAN, SCG vẫn miệt mài thực hiện các thương vụ M&A ngày càng lớn hơn.
Từ đầu năm, SCG đã hai lần thu gom cổ phiếu BMP. Hồi tháng 3, Nawaplastic đã chi khoảng 2.330 tỷ đồng để sở hữu hơn 24 triệu cổ phần BMP, nâng sở hữu lên 49,91% và trở thành cổ đông lớn nhất. Đến đầu tháng tư, Nawaplastic tiếp tục đăng ký mua thêm 818.609 cổ phiếu của Nhựa Bình Minh.
Hiện tại Việt Nam, SCG có 21 công ty đang hoạt động kinh doanh với hơn 8.300 nhân viên, mang đến nhiều dòng sản phẩm và dịch vụ cao cấp cho thị trường. SCG đã mua lại nhiều công ty lớn của Việt Nam qua hình thức M&A. Theo lãnh đạo SCG, chiến lược kinh doanh của Tập đoàn trong 5 năm tới là tiếp tục ưu tiên rót vốn đầu tư vào các dự án chế biến lọc hóa dầu và các sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam.
Sau nhiều năm hoạt động tại Việt am, doanh số của tập đoàn này tăng mạnh. Báo cáo quý I/2018, SCG tại Việt Nam sở hữu tổng tài sản 36.369 tỉ đồng. Doanh thu bán hàng đạt 6.061 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ chủ yếu từ ngành bao bì, xi măng và vật liệu xây dựng. Trước đó, SCG tổ chức lễ khởi công dự án trọng điểm - Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam (LSP) tại xã Long Sơn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Ngoài Bình Minh, SCG còn nắm giữ cổ phần tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái. Ngoài ra, SCG cũng có vốn tại một số công ty nhựa Việt Nam khác như Công ty Giấy Kraft Vina, Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP (Hà Nội), Công ty Bao bì Alcamax (Việt Nam), Công ty Sản xuất bao bì Packamex (Việt Nam)...
Áp lực nợ vay và lợi nhuận
Nhựa Bình Minh hiện là một trong những doanh nghiệp sản xuất ống nhựa hàng đầu tại Việt Nam. Công ty sở hữu 4 nhà máy nhựa với tổng công suất là 140.000 tấn, cùng hệ thống phân phối và là thương hiệu phổ biến với mức độ nhận diện cao. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây trong điều kiện cạnh tranh gay gắt từ những doanh nghiệp mới, Nhựa Bình Minh đã dần đánh mất thị phần, với kết quả kinh doanh thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn trước.
Năm 2017, Nhựa Bình Minh đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% nhờ sản lượng tiêu thụ tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt mức 471 tỷ, giảm 25% so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do khả năng quyết định giá bán kém đi khiến Công ty không thể chuyển tác động tăng giá đầu vào sang cho khách hàng.
Hiện tại, mức độ cạnh tranh trong thị trường ống nhựa xây dựng đang là rất gay gắt với sự xuất hiện của những tên tuổi mới, như sản phẩm ống nhựa của Hoa Sen.
Ngành nhựa Việt Nam có quy mô 12,6 tỉ USD vào năm 2016 với hơn 2.000 doanh nghiệp. Trong đó, bao bì là phân khúc lớn nhất, chiếm 38% thị trường. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu, do đó liên tục tăng thâm hụt thương mại từ năm 2010 cho đến nay. Năm 2017, thâm hụt này lên đến 10,3 tỉ USD.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tiềm năng ngành nhựa Việt Nam còn rất lớn, chỉ số tiêu thụ nhựa bình quân tại Việt Nam hiện đạt 41 kg/người/năm (thấp hơn nhiều so với mức 48 kg/người/năm của châu Á và mức 70 kg/người/năm của thế giới). Theo BMI Research, ngành thực phẩm sẽ tăng trưởng 10,9% trong giai đoạn 2015-2019, ngành đồ uống đóng chai sẽ tăng trưởng từ 17-25%.
Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) nhận định, ngành nhựa năm 2017 duy trì tỉ suất lợi nhuận gộp lần lượt với nhựa xây dựng và nhựa bao bì là trên 20% và 15% nhưng đối mặt với sự phân hóa mạnh. Rủi ro vay nợ, đặc biệt là nợ ngắn hạn là điểm cần lưu ý ở các doanh nghiệp nhựa Việt Nam.
Các doanh nghiệp nhựa nội địa có tỉ lệ vay nợ ngắn hạn khá cao, trung bình khoảng 70% và nợ dài hạn là 30%. Một số công ty thấy M&A là phương thức phù hợp để tăng trưởng (đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài) hoặc là một cách để hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư của họ. Đây là cơ hội tốt cho nhiều chủ doanh nghiệp, họ có thể thoái vốn ở mức định giá hấp dẫn. Từ dữ liệu của StoxPlus, định giá thường 1,1 lần EV/Sales và 15-17 lần EV/EBITDA. Bên cạnh đó, hợp nhất, tái cấu trúc, cải tiến là những xu hướng tất yếu để giúp doanh nghiệp trong ngành cải thiện hiệu quả.
SCG trước đây có ý định thâu tóm cả hai doanh nghiệp nhựa lớn nhất của Việt Nam là Tiền Phong và Bình Minh. Tiền Phong và Bình Minh chiếm hơn một nửa thị trường nhựa xây dựng Việt Nam, trong đó Tiền Phong chiếm 30%, còn Bình Minh nắm 25%. Tuy nhiên, SCG (thông qua công ty con Saraburi thuộc Siam Cement chuyên kinh doanh vật liệu, hóa chất của SCG) đã rút khỏi thương vụ Tiền Phong vì thấy mục tiêu sáp nhập Nhựa Tiền Phong khó thành hiện thực. Nếu Saraburi nắm chi phối cả 2 doanh nghiệp đầu ngành này, thì sẽ trở thành đơn vị thống lĩnh thị trường, vướng Luật Cạnh tranh.
Theo Nhịp cầu Đầu tư