Lúc nào cũng trong trạng thái “sẵn sàng”
Nguyễn Thanh Hiền - 22 tuổi, sinh viên năm 4 khoa Quan hệ Quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền |
Nguyễn Thanh Hiền (22 tuổi, sinh viên năm cuối khoa Quan hệ Quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bắt đầu cộng tác tại ban Quốc tế của báo Tuổi Trẻ từ tháng 10/2019. Đây chính là khoảng thời gian Hiền đi thực tập theo chương trình học tại trường. Nhưng nhờ sự chuyên cần, tích cực trong công việc mà sau khi kết thúc 2 tháng thực tập, Hiền vẫn được toà soạn tin tưởng và cộng tác cho tới bây giờ.
Công việc chính của Hiền chủ yếu là tham dự và đưa tin về các sự kiện chính trị, thời sự quốc tế diễn ra tại Hà Nội; tham gia đưa tin trực tiếp từ các buổi họp thường kì của Bộ Ngoại giao; các sự kiện, hoạt động của các Đại sứ quán, các vụ của cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ có yếu tố nước ngoài…
Thanh Hiền cho biết, trước khi thực tập và cộng tác tại báo Tuổi Trẻ, cô chưa có kinh nghiệm cộng tác tại bất cứ cơ quan báo chí nào. Vì vậy, đối với Hiền, đây thật sự là một cơ hội tốt, một trải nghiệm đầu đời thú vị và tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển sự nghiệp của cô sau này.
Lần đầu tiên được làm việc tại một cơ quan báo chí lớn, song lại thiếu kinh nghiệm thực tế đã khiến Hiền thật sự lo sợ. “Tôi vẫn nhớ như in những ngày đầu khi mới bước chân đến tòa soạn. Một khung cảnh choáng ngợp hiện ra trước mắt tôi khiến tôi khựng lại nhưng phải nhanh chóng sốc lại tinh thần để còn tiếp nhận công việc. Tôi biết, việc lựa chọn thử sức tại Tuổi Trẻ sẽ có rất nhiều áp lực đối với một cô sinh viên “chân ướt chân ráo” bước vào nghề và vẫn còn nhiều lơ ngơ như tôi. Nhưng không phải vì thế mà tôi nản lòng, thay vào đó, tôi luôn cố gắng tiếp thu, học hỏi, lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng và vận hết tốc lực để làm việc”, Hiền nói.
Không phải nỗ lực nào cũng được đền đáp. Có những lần bài bị “đổ”, không được đăng đã khiến Hiền cảm thấy buồn và thất vọng rất nhiều. Sau vài lần như vậy, Hiền lại nhận ra được những thiếu sót, những hạn chế của bản thân để dần sửa đổi và hoàn thiện.
Gần 1 năm cộng tác tại báo Tuổi Trẻ, Thanh Hiền đã dần hình thành một tác phong nghiệp vụ báo chí của riêng mình. “Trung thực, khách quan và tôn trọng sự thật chính là những nguyên tắc mà tôi luôn hướng tới trong từng tác phẩm của mình”, Hiền nói.
Mỗi chuyến đi là một đặc ân
Phạm Thị Tuyết - 21 tuổi, sinh viên năm 3 tại Học viện Báo chí và Tuyên Truyền |
Từ việc thần tượng nhà báo Lê Hồng Quang - một phóng viên thường trú của Đài truyền hình Việt Nam tại nước ngoài, Phạm Thị Tuyết (21 tuổi) đã quyết tâm thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền để theo đuổi giấc mơ trở thành một nhà báo chuyên nghiệp.
Giấc mơ ấy đang dần được Tuyết thực hiện, bước đầu là trở thành cộng tác viên của báo Tuổi trẻ Thủ đô. Mang hết khả năng và tâm huyết gửi gắm vào từng bài báo, Tuyết viết báo bằng tất cả niềm đam mê mà cô có. Không “đao to búa lớn” trong bài viết, với thái độ cẩn trọng và cầu thị, các bài viết của Tuyết thường tìm được nhiều chi tiết “đắt giá”, có sức thuyết phục. Không chỉ nêu gương, biểu dương những việc làm tốt, những nhân tố mới, điển hình, hay mà Tuyết còn mạnh dạn phê phán những biểu hiện tiêu cực, những vấn đề bức xúc trong xã hội... Những bài viết của Tuyết cứ “chậm mà chắc” nhưng lại được nhiều người đón nhận.
Sau một thời gian cộng tác tại đây, Tuyết nhận ra rằng, nghề báo mang lại cho mình thật nhiều đặc ân. “Dù mới chỉ là cộng tác viên tại tòa soạn nhưng tôi cũng đã được đi khá nhiều nơi, gặp nhiều người, tìm hiểu nhiều vùng văn hóa khác nhau, có cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức. Nếu trở thành một phóng viên thực thụ, phụ trách cho mình một lĩnh vực riêng thì khi ấy cơ hội còn lớn đến cỡ nào, tôi cũng không tưởng tượng nổi nữa. Chắc có lẽ họ sẽ trở thành “chuyên gia” chăng?”, Tuyết bày tỏ.
Đối với Tuyết, mỗi một chuyến đi, một lần tác nghiệp đều mang lại cho cô những cảm xúc và những trải nghiệm bất ngờ, thú vị. Tuyết dần học được cách chia sẻ, cảm thông và biết dừng lại trước nỗi đau của nhân vật chứ không chỉ đơn thuần là “săn” tin nhanh, tin nóng. Những sản phẩm báo chí mình làm ra sẽ trở nên thật ý nghĩa khi nó là “cầu nối” giữa nhân vật và bạn đọc để từ đó có sự thấu hiểu và tấm lòng yêu thương nhau hơn.
Không có vinh quang và hạnh phúc nào bằng khi nhà báo làm được một việc tốt, có ý nghĩa thông qua các bài báo của mình. Tuyết chia sẻ, sau mỗi lần mang đến niềm tin hay tạo ra sự thay đổi tích cực cho một ai đó, cô lại thấy nghề của mình có ích hơn bao giờ hết.
Hít hà trang báo thơm mùi mực in là niềm hạnh phúc
Nguyễn Nhất Minh - 21 tuổi, sinh viên năm 3 trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền |
Nguyễn Nhất Minh (21 tuổi), hiện đang là sinh viên năm 3 trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Vốn đam mê làm báo từ khi còn là cậu học sinh lớp 10, Minh luôn tìm kiếm các cơ quan báo chí để xin được cộng tác.
“Tôi khá may mắn khi được trải nghiệm ở hai loại hình báo chí, đó là báo in và báo điện tử. Thời gian đầu, tôi tham gia cộng tác cho Tạp chí Soul Magazine - một tạp chí chuyên đề về văn hóa Nhật Bản, sau chuyển sang Việt Nam Mới”, Minh nói.
Vì tham gia cộng tác từ rất sớm nên khi ấy, Minh chỉ là một cậu học trò đơn thuần yêu thích nghề báo chứ chưa có bất kỳ một kỹ năng cũng như kiến thức gì về chuyên môn. Do vậy, để hoàn thành được công việc, Minh đã không ngừng nỗ lực học hỏi bằng cách đọc báo mỗi ngày. Không chỉ vậy, Minh còn thường xuyên trò chuyện, trao đổi với các anh, chị đi trước để tham khảo kỹ năng khai thác thông tin, cách viết và cách tổ chức sắp xếp bố cục cho bài báo của mình.
Minh cho biết, dù mất rất nhiều thời gian để học hỏi, để tiếp thu những kinh nghiệm quý báu nhưng mỗi khi được cầm cuốn tạp chí mới còn thơm mùi mực trên tay có bài của mình thì mọi sự hy sinh, vất vả đều trở nên xứng đáng.
Theo học tại khoa Quan hệ Quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng Minh lại mong muốn trở thành một phóng viên xã hội, nay đây mai đó hơn là một biên dịch viên ngồi dịch tin bài tại tòa soạn. Khi được hỏi lý do vì sao Minh lại yêu thích công việc ấy, cậu chỉ cười và đáp: “Chắc có lẽ, công hợp ấy phù hợp với tính cách và con người của tôi”.
“Với những người làm báo, khi đã chọn nghề là phải đối mặt với những khó khăn, thử thách và nguy hiểm, đòi hỏi bạn phải “dấn thân” để viết, để sáng tác. Có như vậy, bạn mới có thể cho ra đời được những tác phẩm báo chí tâm huyết, phục vụ độc giả. Mỗi kỷ niệm buồn, vui trong nghề sẽ như những thước phim quay chậm kết nối hiện tại với miền ký ức, nhắc nhở bạn không ngừng cố gắng phấn đấu”, Minh bộc bạch.
Càng xông pha càng yêu nghề báo
Đinh Quỳnh Trang - 22 tuổi, sinh viên khoa Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội |
Bắt đầu tham gia cộng tác tại VTV7 - Kênh truyền hình Giáo dục quốc gia trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam từ tháng 4/2019, Đinh Quỳnh Trang (22 tuổi, sinh viên khoa Báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) đã tích lũy cho mình được rất nhiều kỹ năng, kiến thức làm hành trang bước vào nghề.
Đã có người từng hỏi Trang: “Em sẽ chỉ làm những gì mình thích và cho rằng mình có khả năng hay sẽ làm cả những gì mình không thích nhưng theo yêu cầu của công việc?”. Câu hỏi đó khiến Trang ngộ ra một điều rằng, giữa cái tôi của phóng viên và cái ta của báo chí, đôi khi chỉ cần bạn chân thành lựa chọn.
Ở cô gái trẻ này luôn có nhiều hoài bão và sự tâm huyết đối với nghề mà cô đang theo đuổi. Cô nhận làm tất cả những công việc được giao và luôn cố gắng hoàn thành nó thật tốt. Với mỗi chương trình, dự án khác nhau Trang sẽ phải đảm nhận những vai trò khác nhau, có lúc thì tham gia vào quá trình biên tập, có lúc lại làm trợ lý sản xuất hay trợ lý trường quay… Nhưng dù có đảm nhận công việc nào thì đối với Trang đó đều là cơ hội - cơ hội được cọ sát, học hỏi và trải nghiệm thực tế.
Quỳnh Trang cho biết, những công việc này không khó, không áp lực nhưng đòi hỏi người làm phải cẩn trọng, tỉ mỉ, kiên trì và tập trung cao độ. Hằng ngày, Trang vừa phải đi học trên lớp, vừa phải đảm nhận các công việc tại Đài nên cô gần như không có nhiều thời gian rảnh.
“Ai cũng bảo làm báo là vất vả, với phụ nữ làm báo còn vất vả hơn, nhưng sướng hay khổ là do góc nhìn, sự cảm nhận của mỗi người. Nếu đã vậy, tại sao mọi người không lựa chọn những niềm vui, những giá trị mà nghề đã đem lại cho chúng ta, có ai “đánh thuế” đâu. Còn đối với tôi, tôi lại thích sự bận rộn, vất vả ấy vì khi đó tôi trở nên thật sự ý nghĩa. Nếu được chọn lại, tôi cũng vẫn sẽ chọn nghề báo”, Quỳnh Trang cho hay.
Hơn nữa, được cộng tác tại Đài truyền hình Việt Nam sẽ chính là một dấu ấn đẹp trong hành trình theo đuổi nghề nghiệp của Trang. Tuy các sản phẩm làm ra không phải là sản phẩm của riêng mình nhưng cô vẫn cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi được đóng góp công sức của mình vào trong đó để gửi đến quý khán giả. Hiện tại, Trang mới chỉ là cộng tác viên nhưng cô sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để trở thành một thành viên chính thức của nhà Đài. Càng dấn thân vào nghề báo, Trang càng thấy yêu nghề hơn. “Dẫu biết phía trước thật nhiều khó khăn, để chạm tay đến với ước mơ, tôi sẽ không từ bỏ” – Trang tự tin nói.