Cùng với nhiều lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, đã có rất nhiều nhân viên y tế của tỉnh Vĩnh Long ngày đêm miệt mài với công việc, âm thầm đóng góp, giúp tỉnh sớm kiểm soát được dịch bệnh. Mỗi người một nhiệm vụ, họ như một "mảnh ghép" không thể thiếu để "pháo đài" phòng, chống dịch thêm phần vững chắc.
Là đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR, trong suốt thời gian dài dịch bệnh phức tạp, các nhân viên y tế của Khoa Sinh hóa vi sinh miễn dịch thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long chạy đua với thời gian để cho kết quả xét nghiệm nhanh và chính xác, phục vụ công tác truy vết. Giai đoạn cao điểm khi tỉnh Vĩnh Long xét nghiệm cộng đồng truy vết F0, hàng ngày có hàng ngàn mẫu được chuyển đến đơn vị để xét nghiệm khẳng định RT-PCR, cường độ làm việc tăng lên, phải huy động toàn bộ nhân viên làm việc 24/24 giờ để trả kết quả.
Xác định xét nghiệm phát hiện COVID-19 là một trong những nhiệm vụ quan trọng làm căn cứ xác định ca mắc để khoanh vùng, cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm, từ đó dập dịch kịp thời. Nhiều nhân viên y tế có con nhỏ phải gửi ông bà để toàn tâm làm tròn nhiệm vụ ở phòng xét nghiệm trong nhiều ngày liên tục. Vượt qua căng thẳng, áp lực công việc và nguy cơ lây nhiễm, các nhân viên y tế đã làm việc hết công suất, dù mệt mỏi suốt nhiều giờ phải mặc đồ bảo hộ nhưng họ luôn tập trung cao độ để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác.
Cử nhân Phan Thị Ngọc Thấm chia sẻ: “Các kỹ thuật viên khi xử lý mẫu sẽ phải ngồi liên tục 8 tiếng, trong bộ bảo hộ bí kín nhưng luôn phải tập trung và không được phép xảy ra bất kỳ sai sót nào. Bởi, việc có kết quả xét nghiệm nhanh, chính xác sẽ giúp các địa phương nhanh chóng truy vết, cách ly để cắt nguồn lây, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Với cường độ làm việc liên tục, gần 1 năm qua, đèn của khoa chưa bao giờ tắt, nhân viên dù áp lực nhưng điều chúng tôi sợ nhất không phải mình kiệt sức, mà sợ các máy quá tải”.
Những ngày cuối tháng 7/2021, tỉnh Vĩnh Long xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng, các ca mắc COVID-19 tăng nhanh. Thời điểm này, gần như cả hệ thống chính trị và người dân cùng tham gia vào "cuộc chiến" chống dịch. Góp phần cùng địa phương từng bước kiểm soát tình hình dịch. nhiều nhân viên y tế đã ngày đêm tham gia công tác chống dịch. Mỗi người một công việc khác nhau nhưng chung một ý chí và mục tiêu là sớm kiểm soát được dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Với vai trò vừa là thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, vừa là đội trưởng đội truy vết, bác sĩ Lê Thị Tú Anh-Trưởng phòng Y tế thành phố Vĩnh Long luôn tiên phong đi đầu trong mọi hoạt động phòng, chống dịch của địa phương. Khi nhận được thông tin ghi nhận ca mắc COVID-19 là chị cùng các thành viên trong tổ truy vết tiến hành khoanh vùng, truy vết, thu dung điều trị F0 và cách ly các trường hợp tiếp xúc gần tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở môi trường nguy cơ cao, chị và nhiều đồng nghiệp đã không may mắc COVID-19. Song, với tinh thần vì sức khỏe cộng đồng, chị đã vượt qua dịch bệnh và tiếp tục những công việc nơi tuyến đầu chống dịch.
Tài xế Đào Huy Cường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long tiến hành vệ sinh, khử khuẩn xe trước khi thực hiện nhiệm vụ. |
Còn với Đội trưởng đội lái xe của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long Đào Huy Cường, những ngày địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế người dân ra đường ban đêm cũng là lúc đội xe và đội truy vết của trung tâm hoạt động liên tục để sớm đưa F0 ra khỏi cộng đồng. Anh Đào Huy Cừờng chia sẻ: “Dù không trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch nhưng anh em trong đội xe luôn ý thức được trách nhiệm của mình, phải lái xe nhanh nhất và an toàn nhất, đảm bảo để đội hoàn thành nhiệm vụ. Có những đêm mình đưa đội đi làm nhiệm vụ, đường xá vắng hoe chỉ có tiếng còi xe cấp cứu. Những lúc như thế anh em lại cố động viên nhau làm trọn nhiệm vụ để người dân sớm trở lại trang thái bình thường mới”.
Thời điểm dịch phức tạp, hầu như các tài xế của Trung tâm kiểm soát bệnh tật không thể về với gia đình, hàng ngày luôn túc trực để đưa các đội truy vết, lấy mẫu đến nơi, chở mẫu xét nghiệm, vật tư y tế …đáp ứng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch. Giờ đây, dịch bệnh dần được kiểm soát, hơn 1 tháng qua áp lực và cường độ làm việc của các thành viên trong đội lái xe cũng giảm được phần nào. Cùng với những chuyến xe chở đội truy vết, các tài xế cũng đảm nhận thêm nhiệm vụ vận chuyển vaccine phòng COVID-19. Những chuyến vaccine đã được vận chuyển nhanh chóng và đảm bảo an toàn đến nơi để các địa phương có thể triển khai ngay công tác tiêm phòng cho người dân, góp phần giúp tỉnh đạt độ bao phủ vaccine trong thời gian sớm nhất.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, hơn 2 năm qua, đặc biệt là năm 2021 khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và diễn biến khó lường, toàn tỉnh Vĩnh Long có hơn 32.000 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, tình nguyện viên và nhân dân trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch nơi tuyến đầu. Toàn tỉnh đã có 260 nhân viên y tế mắc COVID-19. Vượt lên tất cả, với tinh thần không ngại khó khăn, nguy hiểm, các nhân viên y tế vẫn nỗ lực hết mình, vượt qua bệnh tật trở về với công việc để chung tay đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR. |
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ: “Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 vừa qua có sự tham gia, đóng góp của rất nhiều lực lượng là nhân viên y tế. Từ các bác sỹ trực tiếp điều trị đến nhân viên làm công tác xét nghiệm, truy vết, tài xế làm công tác vận chuyển người bệnh hay hộ lý thu dọn rác thải y tế ở cơ sở điều trị, tất cả đều đóng góp cho nhiệm vụ chung là đẩy lùi dịch bệnh. Đặc biệt, trong thời gian đầu dịch bệnh phức tạp, phải thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh khó khăn khi địa phương thực hiện các chỉ thị về giãn cách xã hội, khi trên đường vắng người, các nhân viên y tế phải chạy đua với thời gian, làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao, xét nghiệm dưới thời tiết gây gắt, ăn vội những hộp cơm... Vượt qua những khó khăn, mỗi người đều không lùi bước. Tất cả nhân viên y tế dù làm nhiệm vụ gì đều là một “chiến sỹ” trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19, họ như một mảnh ghép không thể thiếu để thực hiện tốt mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh.