Nét văn hoá đặc sắc có từ lâu đời
Bằng những lời ca đối đáp, các màn giao lưu quan họ diễn ra trong nhà, trên sân đình, trước cửa chùa hay bồng bềnh trên những thuyền rồng giữa dòng Tiêu Tương hoài cổ hoặc trên các ao, hồ tại các làng quan họ quanh vùng Lim.
Hội Lim năm nay, du khách được nghe hát quan họ tại quảng trường đồi Lim và ở cửa đình, cửa chùa, dưới thuyền, ở các làng thuộc tổng Nội Duệ. Hàng trăm làn điệu dân ca quan họ được liền anh, liền chị thể hiện trong nghệ thuật hát đối đáp đạt tới trình độ nghệ thuật cao, là sự hội tụ tuyệt vời của thơ, ca, nhạc, họa và cái tình của người quan họ... Ngoài sân khấu chính phía trên đồi Lim còn có các chòi quan họ của các làng quan họ đến giao lưu biểu diễn.
Hòa vào dòng người đổ về hội Lim, chị Nguyễn Khánh Huyền (Từ Sơn, Bắc Ninh) chia sẻ: “Ở hội Lim có nhiều hoạt động vui chơi mà các cháu nhà tôi rất thích. Ngoài ra, tôi muốn đưa các cháu đi hội để hiểu biết thêm về những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian vì ngày thường các cháu phải tập trung vào học tập và chưa có nhiều cơ hội để tìm hiểu”.
Bên cạnh không khí nhộn nhịp bên ngoài, những canh hát tại gia xuyên đêm là nét văn hóa truyền thống của người quan họ. Khác với hát quan họ tại đình hoặc các lán trại thường có sự hỗ trợ của nhạc cụ thì hát canh tại gia hoàn toàn là hát mộc. Chỉ có hệ thống loa đài nhằm hỗ trợ việc thưởng thức quan họ cho những du khách ở phía xa các liền anh, liền chị. Do đó, buổi hát canh sẽ nhẹ nhàng, gần gũi hơn và mang đậm giá trị truyền thống của quan họ cổ.
Liền anh, liền chị hát quan họ tại nhà chị Nguyễn Kim Thanh. |
Chị Nguyễn Kim Thanh, chủ nhiệm Câu lạc bộ thôn Duệ Đông cho biết: “Mỗi năm chúng tôi tổ chức canh hát gia đình một lần vào dịp hội Lim, đến nay cũng đã được hơn chục năm. Những canh hát tại gia không dùng đàn, nhạc nên gần gũi và đậm chất truyền thống của quan họ cổ. Khi xưa, chưa được chính quyền hỗ trợ, bằng tình yêu và niềm đam mê đối với dân ca quan họ, chúng tôi đã tự đứng ra tổ chức những canh hát cổ”.
Chị Nguyễn Thị Ninh, thôn Duệ Đông, thị trấn Lim đến tham gia canh hát từ sớm. Chị mới bắt đầu hát quan họ được 5 năm nhưng đã yêu thích và luôn tham gia tập luyện hát canh. Khi trước do bận phải mưu sinh nên không có nhiều thời gian dành cho đam mê của bản thân, nay chị được hát, được giao lưu học hỏi với các liền anh, liền chị thì cảm thấy vui và hạnh phúc.
Những hành vi tiêu cực, phản cảm cần phải bị loại bỏ
Là hoạt động văn hóa có ý nghĩa tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp, tuy nhiên ở hội Lim vẫn xuất hiện một số hiện tượng phản cảm cần phải loại bỏ. Tại bãi gửi xe và các gian hàng vẫn diễn ra tình trạng “chặt chém” du khách, xả rác bừa bãi... Hiện tượng mời trầu, “ngả tráp” xin tiền xuất hiện ở một số chòi hát quan họ. Ngoài ra, tại các ban thờ mặc dù đã có hòm công đức, du khách vẫn để tiền lẻ bừa bãi.
Ông Lưu Đắc Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Du, thành viên Ban chỉ đạo tổ chức Hội Lim cho biết: “Hội Lim 2019 được diễn ra thường lệ như mọi năm và quy tụ những người yêu quan họ cả nước về giao lưu. Phần lễ hội vẫn được bắt đầu vào ngày 12 (Âm lịch), tuy nhiên năm nay phần lễ không tổ chức rước. Ban tổ chức chú trọng vào công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh môi trường, duy trì nghiêm vấn đề an ninh trật tự. Ngoài ra, công tác tuyên truyền được chú trọng bởi những hoạt động tại lễ hội nằm trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 10 năm quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại... ”.
Với những quyết tâm và hành động quyết liệt của chính quyền địa phương và Ban tổ chức lễ hội đã giúp cho hội Lim diễn ra một cách an toàn và văn minh. Thiết nghĩ để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của hội Lim rất cần sự tổ chức chặt chẽ của chính quyền địa phương và ý thức tham gia có văn hóa của người dân và du khách. Cùng với đó phải cương quyết loại bỏ những hành vi phản cảm, tiêu cực diễn ra tại lễ hội.