Chương trình Nhà Chống Lũ được khởi động từ năm 2013, với sứ mệnh xây dựng những căn nhà an toàn cho người dân vùng lũ. Trong giai đoạn từ năm 2013 – 2019, “Nhà Chống Lũ” đã xây dựng hơn 700 căn nhà an toàn, giúp hơn bốn nghìn người dân sống an toàn trong thiên tai.
Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan trong những năm đầu tiên hoạt động, các thành viên trong dự án vẫn còn nhiều trăn trở. Trung bình hàng năm, tại Việt Nam xảy ra hơn 600 đợt thiên tai khiến hơn 200.000 căn nhà bị hư hại, thì con số 700 căn nhà vẫn còn rất khiêm tốn. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực mở rộng các địa bàn hỗ trợ, Nhà Chống Lũ mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm đã tích lũy thông qua “Sổ tay Nhà An Toàn”. Sổ tay bao gồm chín mô hình nhà có khả năng thích ứng với các loại hình thiên tai của từng khu vực ở Việt Nam. Hy vọng, thông qua quyển sổ tay này, chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận, các chuyên gia và các cá nhân quan tâm có thể tham khảo, áp dụng và nhân rộng các mô hình nhà an toàn tương thích với từng loại hình thiên tai.
Kiến trúc vì an toàn
Là kiến trúc sư của dự án Nhà Chống Lũ, anh Đinh Bá Vinh đảm nhiệm lên ý tưởng hầu hết các mô hình nhà an toàn ở từng hộ dân và cùng họ đồng sáng tạo, thiết kế nhà - nơi ở an toàn. Anh tin rằng kiến trúc sư là người được trang bị kiến thức chuyên môn, nhưng để làm ra công trình an toàn, tiện nghi dành cho người nghèo, là một bài toán khó mà cần nhiều nỗ lực mới có thể đạt được. Để thiết kế được một ngôi nhà an toàn đòi hỏi kiến trúc sư phải hiểu rõ đặc điểm của địa hình khu vực và cả các loại hình thiên tai rất khác nhau từ mưa bão, lũ lụt, sạt lở,…
Sáu năm đồng hành cùng bà con vùng lũ tại Hà Tĩnh, Quãng Nam, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Hậu Giang,… các kiến trúc sư của Nhà Chống Lũ đã hoàn thiện thiết kế các mô hình: nhà kê nền thấp, nhà kê nền cao, nhà kê nền linh hoạt, nhà hai gác, nhà phao,… với kết cấu vững chãi, phù hợp với địa hình và các loại thiên tai khác nhau, đảm bảo an toàn với mức chi phí tiết kiệm nhất.
Các mô hình nhà |
Đặc trưng nhà an toàn của Nhà chống lũ: Co-Design
“Chung tay” luôn là phương thức được Quỹ Sống lựa chọn áp dụng trong mọi hoạt động. Thông qua phương pháp này, bà con địa phương sẽ chủ động tham gia trực tiếp trong việc kiến thiết, xây dựng nhà ở của chính mình cùng với sự tương hỗ từ các chuyên gia và cộng đồng.
Nhà Chống Lũ cụ thể hóa sự chung tay trong dự án thông qua phương pháp “đồng thiết kế” (co-design) cho phép các bên liên quan đóng góp sáng tạo trong việc xây dựng và giải quyết vấn đề. Người hưởng lợi sẽ đóng vai trò là “chuyên gia” về trải nghiệm và trở thành trung tâm của quy trình thiết kế, để đảm bảo kết quả đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của chính họ. Nhà Chống Lũ luôn để người dân ở thế tự chủ động giải quyết vấn đề của mình, cùng phối hợp chặt chẽ với Nhà Chống Lũ để đưa ra giải pháp, góp vốn, góp sức. Nhà Chống Lũ đóng vai trò truyền cảm hứng, hướng dẫn kĩ thuật và cung cấp các công cụ hỗ trợ cho người thụ hưởng.
Cụ thể, về kỹ thuật, Nhà Chống Lũ sẽ đưa ra lõi kĩ thuật đảm bảo an toàn, các phần còn lại bà con được sáng tạo theo nhu cầu sử dụng và ý thích của mình. Người dân được tham gia vào tất cả các công đoạn từ thiết kế đến xây dựng, nên họ trở nên tự tin, yêu quý và trân trọng căn nhà của mình:“Cửa sổ hình tròn do tôi nghĩ ra này”, “Màu sơn tím này tôi chọn mãi mới được đấy”. Cái nhà do chính họ xây nên, và điều mà chúng tôi làm là trao cho họ quyền được làm chủ cuộc đời mình.
PGS.TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên - Chủ biên cuốn “Sổ tay Nhà An Toàn” để cao tư duy cùng thiết kế trong dự án: “Khi thiết kế cho cộng đồng, điều quan trọng nhất là hiểu họ, thâm nhập vào đời sống của họ, cùng nghĩ với họ để từ đó người dân sẽ là chủ thể của “tác phẩm”. Như vậy, sự thay đổi đó mới thật sự có giá trị.”
Sợ lũ là chuyện xưa cũ!
Trong bối cảnh thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, chúng ta cần điều chỉnh tư duy từ ứng phó, khắc phục thiệt hại sang xây dựng năng lực chống chịu và nâng cao khả năng thích ứng. Một căn nhà vững chãi là yếu tố quan trọng đảm bảo bà con khó khăn có cuộc sống an toàn trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, một tổ chức sẽ không bao giờ hỗ trợ được hết tất cả những bà con đang gặp khó khăn trên cả nước. Nhà Chống Lũ tin rằng với việc phân loại mô hình nhà cho từng khu vực, từng loại thiên tai, chi tiết kĩ thuật, cũng như hướng dẫn các bước thi công trong “Sổ tay Nhà An Toàn” sẽ giúp mọi người có thể xây dựng một ngôi nhà vừa an toàn để chống chọi với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, vừa tiết kiệm mà không cần sự can thiệp của chúng tôi.
Chi tiết kĩ thuật và hướng dẫn thi công dành cho Nhà Kê Nền Linh Hoạt - Giải pháp ứng phó với sụt lún và nước biển dâng tại Đồng Bằng Sông Cửu Long |