Thầy giáo viết cuộc đời bằng tay trái
Trong ấn tượng của nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (huyện Diễn Châu, Nghệ An), thầy Nguyễn Văn Đông luôn có tác phong chỉn chu và vô cùng nghiêm khắc. Người thầy dạy Toán bất kể đông hay hè đều mặc áo dài tay, ống áo tay phải bỏ vào túi quần, còn viết bảng bằng tay trái.
Thầy Đông vốn là cựu học sinh xuất sắc của Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn cách đây hơn 30 năm. Năm lớp 11, trong lúc trèo cây chơi đùa trong sân trường, cậu học trò bị ngã gãy tay.
Vết thương sau đó nhiễm trùng phải tháo khớp, cắt bỏ gần hết cánh tay phải. Để quay trở lại trường, Đông phải tập viết lại bằng tay trái, và học cùng với các em khóa dưới. Dù vậy, nam sinh vẫn có kết quả học tập xuất sắc, năm nào cũng được chọn vào đội tuyển thi HSG tỉnh, đạt giải cả 3 môn Toán – Lý – Hóa.
“Ngày ấy còn dại lắm, chưa ý thức hết những thiệt thòi của việc mất đi cánh tay, vẫn vui vẻ đến trường. Vụ tai nạn chỉ khiến tôi không thể đăng ký vào học quân đội như mơ ước. Tốt nghiệp THPT, tôi thi đậu cả 2 trường ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Vinh nhưng lựa chọn theo con đường nghề giáo”, thầy Đông nhớ lại.
Kết quả thi nằm trong tốp thí sinh điểm cao và được cấp học bổng, nhưng để được nhập học sư phạm, Đông còn phải trải qua một bài sát hạch riêng. “Ngày nhập học, thầy Hiệu trưởng gọi tôi lên gặp, yêu cầu viết bảng trước sự chứng kiến của BGH nhà trường và khoa Sư phạm Toán.
Tôi khá bất ngờ nhưng vẫn bình tĩnh viết nhanh và tốt bằng tay trái. Thầy nói làm giáo viên, trước hết phải viết bảng, em viết được, thầy nhận vào học. Tôi chính thức được trở thành sinh viên sư phạm như vậy”, thầy Đông kể.
Những năm tháng học đại học, va vấp cuộc sống, Nguyễn Văn Đông nhận ra mình không thể tham gia nhiều môn thể dục, thể thao. Giao tiếp với bạn bè cũng e ngại hơn. “Lúc ấy, tôi mới nhận thấy mình “thiếu”. Vừa có chút mặc cảm, tự ti tôi lại vừa thấy mình chẳng thể làm gì khác ngoài cố gắng. Người đủ 2 tay làm được 3 phần, thì tôi một tay cũng phải cố làm được 2 phần”, thầy Đông nói.
Tốt nghiệp sư phạm, Nguyễn Văn Đông lần lượt dạy học tại Trường THCS Diễn Thịnh, THPT Diễn Châu 2, THPT Diễn Châu 4 và sau đó về công tác tại Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (huyện Diễn Châu). Trong quá trình công tác, thầy luôn trau dồi chuyên môn, sớm học nâng chuẩn.
Thầy cũng là một trong những người đầu tiên ứng dụng giáo án điện tử trong dạy học của Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn. Nhưng nói về thành tích, thầy Đông chưa lần nào thi giáo viên giỏi tỉnh. Dù 25 năm trong nghề, thầy đã bồi dưỡng cho nhiều học sinh đạt giải cao thi HSG tỉnh và đậu đại học.
Thầy thừa nhận cho đến giờ vẫn còn chút mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân, nên hầu như không tham cuộc thi nghiệp vụ sư phạm nào. Nhưng ở trên lớp, khi chỉ có học trò phía dưới, thầy lại thoải mái, dốc lòng dạy dỗ các em, thậm chí đến mức nghiêm khắc.
Dù đông hay hè, thầy Đông lên lớp với áo dài tay, ống tay áo bên phải “cất” vào túi quần. |
Thầy tâm sự: “Tôi đặt kỳ vọng lớn vào học sinh, có lẽ, giáo viên nào cũng vậy. Và khi các em không đáp ứng được kỳ vọng đó, thì tôi lại gây áp lực. Nhưng dần dần, tôi biết cách phân loại học sinh, để tiếp cận các em theo cách nhẹ nhàng, phù hợp hơn”.
Có thời điểm, cuộc sống cá nhân của thầy gặp khó khăn, hôn nhân đổ vỡ. Nhưng thầy đã dùng niềm vui của nghề để từng bước vượt qua nỗi buồn riêng. Rồi hạnh phúc cũng mỉm cười, thầy có tổ ấm mới bên người đồng nghiệp, công tác ở một trường THPT trên địa bàn. Nhìn lại những gì đã trải qua, thầy chia sẻ mình không trách số phận. “Được đi dạy, có học sinh tôi thấy vui lắm. Đây là nghề đặc biệt, đem đến cho mình nhiều cảm xúc.
Gặp một học sinh khác biệt, thấy một sự tiến bộ, hoặc phải xử lý em nào đấy phạm lỗi, cảm xúc thay đổi liên tục trong 1 ngày. Nhờ vậy, tôi thấy nghề giáo càng ý nghĩa hơn”, thầy nói. Ngoài là nhà giáo, thầy Đông còn là một nhà nông, chăm lo trang trại có 500 cây mít, hơn 100 cây bưởi da xanh để thêm thu nhập cho gia đình. Trang trại, cũng là thêm một nơi để thầy thực hiện mong muốn “sống bình thường”, với công việc, vất vả, lo toan bình thường của một người đã từng mất đi điều bình thường.
Trở lại bục giảng là điều kỳ diệu
Trong ngôi nhà cấp 4 tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, thầy Ngô Đức Đồng đang ngồi chấm thi học kỳ cho học sinh. Được cầm lại tập bài làm của học sinh, trên tay chiếc bút mực đỏ, chính thầy cũng không tin nổi hơn 1 năm trước, cũng tại gian phòng này, mình vẫn đang nằm một chỗ.
Thầy Đồng là giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bắc Yên Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). Tháng 6/2019, khi hoàn thành nhiệm vụ chấm thi tuyển sinh vào lớp 10, trong lúc chuẩn bị từ TP Vinh về nhà, thầy Đồng bị một xe ô tô mất lái đâm phải. Vụ tại nạn nghiêm trọng khiến thầy bị đa chấn thương, tính mạng nguy kịch.
“Trong hơn 1 tháng đầu tiên, sau vụ tai nạn, do ảnh hưởng của thuốc nên tôi vẫn chưa tỉnh táo hoàn toàn, đầu óc mơ hồ, chỉ biết mình đã phải cắt bỏ 1 chân. Nhưng tôi chưa thể ngồi dậy để biết rõ tình trạng cơ thể mình thế nào. Đến khi chuyển ra BV Việt Đức (Hà Nội) để điều trị phần xương chậu bị vỡ, tôi mới lần đầu tiên nhìn thấy chân trái của mình bị cắt lên tận đùi. Dù xác định tinh thần trước, tôi vẫn rất sốc...”, thầy Đồng nhớ lại.
Thoát khỏi tử thần với thương tích mất 79% sức khỏe, thầy Ngô Đức Đồng vẫn phải nằm một chỗ, đợi xương chậu phục hồi mới có thể đứng ngồi được. Từ một người khỏe mạnh, bình thường, lúc bấy giờ thầy chỉ có thể ở trên giường, trong gian buồng nhỏ.
Mọi sinh hoạt dựa vào sự chăm sóc của vợ. Mỗi lần “được” di chuyển, chính là từ giường lên xe cứu thương, ra Hà Nội tiếp tục nằm viện điều trị. Thời gian như kéo dài ra thêm, đến ngay cả nhà mình như thế nào, thầy cũng không hình dung nổi. Thầy vẫn nhớ, “lần đầu tiên sau khi có thể ngồi dậy, tôi được đẩy ra ngoài, nhìn gian phòng khách thấy cũng trở nên thật rộng lớn”.
Thời điểm đó, thầy chỉ biết cố gắng đọc sách báo, thông tin, giữ tin thần lạc quan. Rồi tiếp theo là những ngày tháng cắn răng chịu đựng cơn đau, tập luyện phục hồi chức năng. Mất chân trái, chân còn lại phải chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể, lúc nào cũng căng cứng, muốn khuỵu xuống. Ngày nhìn chiếc chân giả lắp vào thay cho đôi nạng, thầy vẫn không khỏi hụt hẫng, nhưng tự nhủ rồi sẽ quen.
Dù đau đớn đến mấy, cũng phải cố để quay trở lại với cuộc sống. Thầy chia sẻ: “Thời gian bị tai nạn, tôi được giúp đỡ rất nhiều, từ lãnh đạo ngành, đồng nghiệp, bạn bè và rất nhiều học sinh. Ở bệnh viện nào, cũng có học sinh đến thăm, giúp đỡ thầy. Tôi cũng không ngờ còn nhiều học sinh nhớ đến mình như vậy, dù nhiều em đã hàng chục năm không gặp”.
Sau 11 tháng, thầy Ngô Đức Đồng quyết định quay trở lại đi dạy: “Đó là vào tháng 5/2020, các trường dạy học trở lại sau đợt nghỉ dịch Covid-19. Biết tin tôi đi dạy được trở lại, cả trường ùa ra chờ ở cổng trường đón. Nhìn thấy tất cả đồng nghiệp, học sinh, cảm giác xúc động vô cùng”. Đến giờ, mỗi lần đứng trên bục giảng, với thầy luôn là “điều kỳ diệu”.
Về dạy học, dù trải qua thời gian dài nghỉ điều trị chấn thương, song thầy Ngô Đức Đồng cho biết không gặp nhiều khó khăn và vẫn đáp ứng các yêu cầu đề ra. Thầy cũng tham gia đầy đủ mọi hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Riêng sức khỏe vẫn là trở ngại lớn, nhất là khi trường học cách nhà 7 – 8km và đường xấu.
Thầy Nguyễn Bá Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành cho biết: “Trong công tác, thầy Đồng là giáo viên có năng lực, trách nhiệm, được nhiều thế hệ học sinh yêu quý. Không may gặp tai nạn, nhưng thầy vẫn nỗ lực hết mình để có thể quay trở lại giảng dạy.
Điều đó khiến cả tập thể giáo viên và học sinh rất vui mừng, phấn khởi. Về nhà trường, chúng tôi cũng cố gắng tạo mọi điều kiện, sắp xếp thời gian biểu hợp lý, động viên để thầy có thể vượt qua những khó khăn trước mắt”.