Tại Hà Nội, chủ quán Cà phê Giảng cho biết việc kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều bởi giá cà phê và trứng, vốn là hai nguyên liệu tạo nên món cà phê trứng đặc trưng của Giảng, ngày càng đắt đỏ.
Thành lập vào năm 1946, Cà phê Giảng được biết đến là nơi sản sinh ra món cà phê trứng, được làm từ cà phê vối và trứng đánh bông. Việc giá cả leo thang đã gây áp lực đáng kể lên tình hình tài chính của quán.
Dù vậy, quán cà phê này vẫn tuyên bố sẽ không thay đổi mức giá 35.000 đồng một cốc.
“Chúng tôi không thể dễ dàng tăng giá mỗi khi nghĩ đến những khách quen đã ủng hộ quán từ thời ông nội tôi. Quán hiện nay cũng phục vụ thêm các loại đồ nướng và cà phê nguyên hạt để đối phó với tình trạng tài chính eo hẹp”, đại diện của Giảng cho biết.
Vào cuối tháng Tư, giá cà phê robusta kỳ hạn tại sàn giao dịch London đã lên tới 4.500 USD/tấn. Dù thị trường sau đó đã hạ nhiệt, giá cà phê vẫn duy trì ở mức cao so với cuối năm ngoái.
Việt Nam là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới và là nước đứng đầu về sản lượng cà phê robusta. Tuy nhiên, nhiều nông dân tại Việt Nam đang dần chuyển sang trồng sầu riêng, loại quả đang ngày càng trở nên phổ biến tại Trung Quốc những năm trở lại đây. Theo báo cáo địa phương, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2023 đã vượt mức 2 tỷ USD, cao gấp 5 lần so với năm 2022.
Sự chuyển dịch này đã làm thu hẹp diện tích trồng cà phê, dẫn tới việc nguồn cung bị cắt giảm. Cà phê chỉ phát triển tốt nhất trong môi trường khí hậu nhiệt đới, việc tìm ra khu vực mới để trồng cà phê ngày càng trở nên khó khăn do thiếu diện tích canh tác mới.
Hiện tượng thời tiết El Nino gây ra hạn hán ở Đông Nam Á cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Theo báo cáo từ Tổ chức Cà phê Quốc tế, trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2022 tới tháng 9 năm 2023, tổng sản lượng cà phê Việt Nam đạt 29,2 triệu bao loại 60 kg, ít hơn 9.8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo chia sẻ của một người buôn cà phê tại Hồ Chí Minh, bà đã ký hợp đồng với một trang trại ở tỉnh Đắk Nông, tuy nhiên mùa màng tại đây đang ngày càng sa sút do nắng nóng kéo dài gây thiếu hụt nguồn nước.
Theo tập đoàn thương mại Nhật Bản Marubeni, một nguyên nhân khác đến từ việc các công ty lớn từ châu Âu và Mỹ chuyển hướng từ cà phê Arabica cao cấp, vốn được trồng chủ yếu ở Trung và Nam Mỹ, sang cà phê robusta có giá thành rẻ để ứng phó với chi phí vận chuyển và nhiên liệu tăng cao.
Mức độ tiêu thụ cà phê ngày càng tăng ở Đông Nam Á và Trung Quốc cũng góp phần vào tình trạng tăng giá cà phê tại Việt Nam. Từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 9 năm 2023, tổng mức tiêu thụ cà phê ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 44,5 triệu bao, chiếm hơn 1/4 tổng lượng tiêu thụ của thế giới và tăng 12% so với 4 năm trước đó. Tiêu thụ cà phê toàn cầu nhìn chung chỉ tăng 1% trong giai đoạn này.