Hiện tại, tuyến bờ biển dài hơn 2 km thuộc các thôn Khánh Nhơn 1, Khánh Nhơn 2 đang bị sóng biển xâm thực ngày một sâu vào trong đất liền. Theo người dân địa phương, tình trạng sóng biển xâm thực đã diễn ra từ nhiều năm qua; tuy nhiên thời gian gần đây cường độ sóng biển xâm thực diễn ra ngày càng mạnh hơn, sóng to kèm theo gió mạnh liên tục đánh ập vào bờ gây sạt lở, cuốn trôi nhiều nhà cửa, thuyền bè trong đêm khiến nhiều hộ dân lo sợ phải di chuyển đi nơi khác sinh sống. Các hộ bám trụ còn lại gom tiền mua đá đổ kè chắn sóng tạm thời nhưng mỗi lần sóng to đánh vào lại cuốn trôi đất cát khiến bờ biển tiếp tục bị sạt lở.
Ông Nguyễn Thành (ở thôn Khánh Nhơn 1, xã Nhơn Hải) lo lắng cho biết, cách đây chục năm, bờ biển cách nhà ông cả cây số thế nhưng mấy năm trở lại đây sóng biển xâm thực mạnh đã cuốn trôi cả hàng cây dương trồng để chắn sóng trước nhà, giờ nhà ông chỉ cách biển chưa đầy 15 mét. Để đảm bảo an toàn, gia đình ông phải tự bỏ tiền thuê xe chở đá đổ kè với giá từ 600.000 - 700.000 đồng/xe, mỗi năm đổ hàng chục xe đá nhưng không hiệu quả, mỗi lần sóng to đánh vào bờ lại cào đá ra biển.
Bà Lê Thị Thanh Hoa cũng ở thôn Khánh Nhơn 1 cho hay, sóng to, gió mạnh vào ban đêm làm cả nhà bà không ai an tâm, nhiều hôm sóng lớn đánh tràn vào trong nhà, vợ chồng con cái phải dọn dẹp cả đêm. Nhiều lần thuyền thúng của gia đình neo đậu trước nhà cũng bị sóng mạnh đánh đứt dây trôi ra biển. Anh em đi biển vất vả nhưng năm nào cũng cố gắng góp tiền lại mua đá đổ kè để chắn sóng, hạn chế sạt lở bờ biển thế nhưng mỗi ngày sóng biển lại càng lấn sát nhà, không biết phải làm sao.
Theo ông Trần Đồng Linh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải), hiện tại có gần 30 hộ dân và một số trại nuôi tôm ven biển các thôn Khánh Nhơn 1, Khánh Nhơn 2 bị ảnh hưởng do biển xâm thực. Người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng do kinh phí địa phương hạn hẹp nên không đủ khả năng xây kè kiên cố. Chính quyền địa phương đã vận động bà con sống bên cạnh bờ biển di dời vào sâu trong đất liền, tiếp tục đổ đá kè bờ biển tạm thời để hạn chế thiệt hại. Đồng thời, kiến nghị cấp trên quan tâm, sớm đầu tư xây dựng kè chắn sóng để đảm bảo an toàn, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2018 và những năm tiếp theo, tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ địa phương kinh phí 397 tỷ đồng để xử lý các điểm sạt lở; các tuyến đê, kè ven biển đang bị xâm thực nghiêm trọng hiện nay.
Theo Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam