Kỳ nghỉ lễ năm nay dự báo có thể sẽ là “mùa cô đơn” đối với nhiều người khi tình trạng giãn cách xã hội do COVID-19 vẫn tiếp diễn. Điều đáng nói ở đây là sự cô lập ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe và biểu hiện như thế nào.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy một loại tín hiệu trong não của những người cô đơn khiến họ trở nên khác biệt. Điều này dựa trên sự khác nhau về khối lượng của mỗi vùng não cũng như cách mà các vùng đó giao tiếp với nhau qua các mạng não.
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu chụp cộng hưởng từ (MRI), di truyền và tự đánh giá tâm lý của khoảng 40.000 người tình nguyện ở độ tuổi trung niên có thông tin trong Ngân hàng sinh học Vương quốc Anh - một cơ sở dữ liệu truy cập mở dành cho các nhà khoa học về sức khỏe trên thế giới. Các nhà nghiên cứu đã so sánh dữ liệu MRI của những người thường cảm thấy cô đơn với những người không có cảm giác này.
Nghiên cứu đã tìm thấy một số điểm khác biệt trong não của những người cô đơn. Những biểu hiện não này tập trung vào một khu vực được gọi là mạng lưới mặc định: một tập hợp các vùng não liên quan đến những suy nghĩ bên trong con người như hồi tưởng, lập kế hoạch tương lai, tưởng tượng và suy nghĩ về người khác.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy mạng lưới mặc định của những người cô đơn có mối liên hệ chặt chẽ hơn với nhau và điều đáng ngạc nhiên là khối lượng chất xám của họ trong các vùng của mạng lưới mặc định lớn hơn bình thường. Sự cô đơn cũng liên quan đến sự khác biệt từng sợi thần kinh. Ở những người cô đơn, cấu trúc của các ống sợi thần kinh bền vững và được bảo tồn tốt hơn.
Thông thường, chúng ta sử dụng mạng mặc định khi nhớ lại quá khứ, hình dung tương lai hoặc nghĩ về một hiện tại giả định. Cấu trúc và chức năng của mạng lưới này có liên quan tích cực đến sự cô đơn có thể là do những người cô đơn có nhiều khả năng sử dụng trí tưởng tượng, có quá nhiều ký ức về quá khứ hoặc hy vọng nhiều vào tương lai để vượt qua sự cô lập mà họ phải trải qua.
“Khi không có những trải nghiệm xã hội mong muốn, những người cô đơn có thể thiên về những suy nghĩ hướng nội như hồi tưởng hoặc tưởng tượng về những trải nghiệm xã hội. Vì vậy, điều này tập trung cao độ vào sự phản ánh bản thân và có thể là những trải nghiệm trong tưởng tượng, nó tham gia một cách tự nhiên vào các chức năng dựa trên bộ nhớ của mạng mặc định trong não”, Nathan Spreng (Bệnh viện Thần kinh Montreal) cho biết.
Cô đơn ngày càng được công nhận là một vấn đề sức khỏe lớn trong xã hội hiện đại. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người lớn tuổi trải qua cảm giác cô đơn có nguy cơ cao bị suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ. Hiểu được sự cô đơn biểu hiện như thế nào trong não có thể là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh thần kinh và giúp các nhà khoa học phát triển các phương pháp điều trị thần kinh hiệu quả hơn.
“Chúng ta mới bắt đầu hiểu tác động của sự cô đơn lên não bộ. Mở rộng kiến thức về lĩnh vực này sẽ giúp chúng ta đánh giá đúng mức độ cấp thiết của việc giảm bớt sự cô đơn trong xã hội ngày nay”, Danilo Bzdok, một nhà nghiên cứu tại Viện Trí tuệ Nhân tạo Quebec nói thêm. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Nature Communications gần đây.