Trong 13 tháng ở chiến trường Việt Nam (từ tháng 8/1966), Mike Ryan – cựu bác sỹ quân y Mỹ - đã tận mắt chứng kiến cảnh những chiếc máy bay của quân đội Mỹ bay phía trên đầu ông và rải chất độc diệt cỏ, làm rụng lá cây (chất độc da cam). Lúc đó, ông không suy nghĩ nhiều về điều này. Như nhiều cựu binh khác, sau chiến tranh, Mike Ryan trở về quê hương, bỏ lại ký ức khói lửa khốc liệt sau lưng và bắt đầu cuộc sống gia đình mới với đầy hy vọng. Nhưng nỗi buồn lại ập đến với gia đình ông bởi cô con gái Kerry Ryan sinh năm 1971 chịu những dị tật nghiêm trọng: hở van tim, không có hậu môn, rối loạn chức năng thận, cánh tay và ngón tay dị dạng, nứt đốt sống… Mẹ của Mike Ryan – bác sỹ sản khoa hàng đầu ở bệnh viện Long Island ở Đông Nam New York – là “bà đỡ” của Kerry và ngay lập tức nhận ra sự khác thường của đứa trẻ sơ sinh.
Mike Ryan buồn bã nói :” Liệu bạn có tưởng tượng sự tổn thương lớn tới mức nào khi thấy cháu mình ra đời như thế?”. Trong nhiều năm, gia đình Ryan phải đối mặt với tình trạng sức khỏe yếu kém của Kerry. Kerry gặp hàng chục vấn đề sức khỏe, với tổng cộng 22 dị tật. Sau một cuộc phẫu thuật, Kerry bị ảnh hưởng não nghiêm trọng và không thể tự đi lại. Trong suốt hơn 30 năm, ngày nào cũng như ngày nào, vừa thức giấc là ông Mike Ryan vào ngay phòng con gái, giúp Kerry vệ sinh cá nhân, mặc quần áo và ngồi vào xe lăn.
Gia đình Ryan chưa từng có người bị dị tật bẩm sinh. Không ai hút thuốc hoặc sử dụng ma túy. Đứa trẻ thứ hai sinh sau Kerry vài năm vẫn khỏe mạnh. Gia đình Ryan không hiểu lý do dẫn tới tình trạng của Kerry cho tới khi vợ Mike Ryan là bà Maureen đọc được một bài viết trên tạp chí nói rằng có mối liên hệ giữa chất độc dioxin (chất độc có trong chất độc da cam) với các dị tật bẩm sinh ở người. Gia đình Ryan cho rằng việc tiếp xúc với chất độc da cam của cựu binh Mike Ryan khi tham chiến ở Việt Nam là tác nhân gây ra dị tật cho Kerry. Cùng lúc đó, có những nghiên cứu khẳng định rằng trẻ em Việt Nam sinh ở những vùng bị nhiễm nặng chất độc da cam có tỷ lệ dị tật cao. Bản thân Mike Ryan mắc chứng chloracne (mụn nhọt mặt do clo) – là loại bệnh liên quan đến dioxin. Mike Ryan cho biết đã uống nước mưa đọng trên nóc các lều dã chiến ở Việt Nam nhưng không ý thức được rằng có thể nước đã bị nhiễm chất độc da cam mà máy bay Mỹ rải xuống.
Năm 1978, gia đình Ryan chính thức lên tiếng về trường hợp của Kerry. Ngay lập tức, vụ việc thu hút sự chú ý của toàn thể nước Mỹ về tình cảnh của con cháu các cựu quân nhân nước này. Một năm sau, gia đình Ryan đưa Kerry ngồi xe lăn ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Họ đồng thời cùng một số gia đình cựu binh Mỹ khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam, khiến họ và con cháu phải chịu những tác hại sức khỏe ghê gớm. Mùa thu năm 1980, Tổng thống Mỹ Ronald Regan đã gặp gỡ gia đình Ryan để tìm hiểu về vụ việc. Nhưng sau đó, chính quyền Regan tìm cách chối bỏ trách nhiệm trong vụ việc này.
Năm 1982, khi Kerry lên 11 tuổi, Ryan và vợ viết cuốn sách “Kerry: Chất độc da cam và một gia đình Mỹ”, khiến toàn nước Mỹ nhìn nhận rõ hơn về ảnh hưởng của chất độc da cam. Câu chuyện kể về tình trạng sức khỏe của Kerry, những cuộc phẫu thuật triền miên.
Ông Ryan và con gái Kerry (Ảnh: Newsday) |
Mặc dù là một trong những nguyên đơn đầu tiên kiện các tên tuổi sản xuất lớn như Công ty Dow, cuối cùng gia đình Ryan vẫn không được hưởng lợi trực tiếp từ quyết định của tòa án. Năm 1984, vụ kiện kết thúc bằng một thỏa thuận ngoài tòa mà theo đó thay vì phải trực tiếp bồi thường tài chính, 7 công ty hóa chất đồng ý lập một quỹ y tế xã hội trị giá khoảng 180 triệu USD để trợ cấp, dịch vụ cho các cựu binh Mỹ và con cháu họ bị ảnh hưởng sức khỏe bởi chất độc da cam. Các công ty cũng không bị buộc thừa nhận trách nhiệm hay công nhận mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm chất độc da cam và một số bệnh, tật bẩm sinh.
Năm 1997, khi Cơ quan cựu chiến binh Mỹ bắt đầu bồi thường cho trẻ bị nứt đốt sống, gia đình Ryan không làm hồ sơ hưởng chế độ. Mike Ryan khẳng định điều mà gia đình ông cần không phải là tiền mà là sự thừa nhận “món nợ” mà nước Mỹ nợ con gái ông. “ Con gái tôi chịu 22 dị tật. Nhưng họ chỉ muốn bồi thường cho khuyết tật nứt đốt sống” – Mike Ryan ngậm ngùi.
Kerry mất năm 2006 ở tuổi 35 vì suy thận. Giờ đây, ở tuổi 72, Mike Ryan và câu chuyện của con gái ông vẫn là biểu tượng cho cả lịch sử lẫn hiện tại đau thương chống chất độc da cam của Mỹ. Nhiều năm qua, ông bền bỉ tìm kiếm công lý và sự thừa nhận rằng, một người cha bị phơi nhiễm chất độc da cam có thể gây ra tổn hại sức khỏe nghiêm trọng cho các thế hệ con cháu họ.
Theo kết quả các công trình nghiên cứu ở Việt Nam và nước ngoài, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, gồm chất da cam, chất hồng, chất trắng, chất tím, chất xanh da trời..., 61% trong số đó là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 1/4 diện tích miền nam Việt Nam, với khoảng ba triệu ha; mật độ phun rải trung bình vượt gấp khoảng 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp của Mỹ, trong đó hầu hết diện tích bị phun rải hai lần, 11% bị phun rải mười lần.
Mỹ rải chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam (Ảnh: New York Times) |
Các hóa chất độc đó đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái. Theo điều tra của Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ủy ban 10-80) và một số nghiên cứu của nước ngoài, môi trường miền nam bị ô nhiễm nặng; các hệ sinh thái bị tàn phá, đảo lộn, hệ thống rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn của 28 sông chính bị phá hủy nặng nề, làm suy giảm nghiêm trọng khả năng giữ nước chống lụt; một số loài động vật, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng, các loài gặm nhấm và cỏ dại phát triển. Tại căn cứ trước kia quân đội Mỹ dùng làm kho chứa, pha trộn, tiêu hủy chất khai quang, nồng độ dioxin còn gấp hàng nghìn lần nồng độ cho phép.
Một thực tế không thể chối cãi là nhiều nghiên cứu trong suốt bốn thập niên qua đã chỉ ra rằng dioxin và chất độc da cam gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe con người. Người ta đã tìm thấy chất độc da cam có chứa chất độc dioxin nguyên nhân của nhiều bệnh như ung thư, dị dạng và nhiều rối loạn chức năng ở cả người Việt lẫn các cựu binh Mỹ. Dioxin kể cả khi chỉ có hàm lượng rất nhỏ (một phần tỉ) cũng liên quan đến việc tàn phá sức khỏe con người một cách ghê gớm, có thể làm đoản thọ những người bị phơi nhiễm, và có khả năng làm đoản thọ cả con cái họ và những thế hệ kế tiếp trong tương lai.Viện Hàn lâm khoa học quốc tế Mỹ (NAS) đã công bố danh mục 14 bệnh, Bộ Y tế Việt Nam công bố danh mục 17 bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, trong đó có 9 bệnh đặc biệt hiểm nghèo. Tháng 7/2009, báo cáo của Viện Y học Mỹ đã trích dẫn đầy đủ bằng chứng về sự liên hệ giữa việc bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin với 5 loại bệnh: ung thư mô mềm, u lym phô lành tính, bệnh bạch cầu u lym phô mãn tính (bao gồm cả bệnh bạch cầu mô lông, bệnh ung thư và chứng ban clor . Báo cáo cũng phát hiện thấy có bằng chứng khơi gợi về mối liên quan với ung thư thanh quản, ung thư đường hô hấp và tiền liệt tuyến, đa u tủy, chứng thoái hóa dạng tinh bột AL, bệnh thần kinh ngoại biên, rối loạn chuyển hóa porphyrin, bệnh Parkinson và bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, tiểu đường type 2, tật nứt đốt sống của con cái của những người bị phơi nhiễm.
Đặc biệt, chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Theo nghiên cứu của Pro Publica (nơi hỗ trợ các cựu quân nhân Mỹ) dựa trên dữ liệu của Cơ quan cựu chiến binh Mỹ, các cựu binh Mỹ từng phơi nhiễm chất da cam ở Việt Nam có tỷ lệ sinh con bị dị tật cao gấp gần 6 lần so với tỷ lệ sinh con dị tật trước chiến tranh (13,1% so với 2,8%). Pro Publica đã ghi lại bằng video nhiều trường hợp lính Mỹ có con bị dị tật sau khi bị nhiễm chất da cam ở Việt Nam.
Hiệp hội Trẻ em của Hội cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, gồm gần 4.000 thành viên là các cựu binh Mỹ đã trao đổi những câu chuyện hoặc thông báo với các bác sĩ về hàng loạt những chứng dị tật mà con họ phải gánh chịu: khiếm khuyết ống thần kinh, chân tay ngắn hoặc bị cụt, ngón tay chân dị dạng, thiếu đốt sống, rối loạn miễn dịch.... danh sách các chứng dị tật vẫn ngày một dài thêm. Ở Việt Nam, di chứng chất độc da cam đã truyền sang thế hệ thứ tư. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các cấp hội, hiện cả nước có khoảng 300.000 nạn nhân là con, cháu và chắt của người bị nhiễm trực tiếp. Các kết quả nghiên cứu do Bộ Y tế Việt Nam chủ trì đã xác định có gần 200 nhóm bệnh tật, dị dạng, dị tật bẩm sinh do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, với các bệnh: liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, thoát vị não, tật không có tủy sống, teo vận động mạnh phổi.
Bất chấp việc một số công ty hóa chất và thế lực ở Mỹ muốn chối bỏ trách nhiệm với các nạn nhân chất độc da cam, sự thật vẫn sáng tỏ và công lý phải được thực thi. Sau cuộc điều tra kéo dài 6 tháng, Tòa án Quốc tế về Monsanto tại TP.The Hague (Hà Lan) ngày 18/4/2017 đã kết luận Tập đoàn Monsanto (Mỹ) gây tổn hại môi trường, phạm tội ác “diệt chủng thiên nhiên” và tội ác chiến tranh vì sản xuất cũng như cung cấp cho quân đội Mỹ chất độc da cam/dioxin thời chiến tranh Việt Nam. Dù kết luận này không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng đây là bản án rõ ràng về trách nhiệm của Monsanto. Tập đoàn Monsanto là một trong 8 công ty ký hợp đồng tổng trị giá 57 triệu USD với Lầu Năm Góc nhằm cung cấp chất diệt cỏ và làm rụng lá - còn gọi là chất độc da cam chứa hóa chất cực độc dioxin - cho quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch Ranch Hand ở VN.
TTXVN dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng khẳng định : “Đây là một thực tế khách quan về hậu quả chiến tranh nặng nề tại Việt Nam, nhất là do tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam đã được sử dụng. Đề nghị Monsanto tôn trọng kiến nghị tham vấn của tòa án và sớm có những hành động thiết thực góp phần giải quyết hậu quả do chất độc da cam/dioxin để lại”.