Nổi và chìm của họa sĩ Ca Lê Thắng

0:00 / 0:00
0:00
Tối qua 13/12, tại Wiking Salon 72 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TPHCM, họa sĩ Ca Lê Thắng ở tuổi 75 đã khai mạc triển lãm cá nhân lần thứ 3 của ông với tên gọi “Đồng chìm đáy nước”.
Một tác phẩm trong triển lãm "Đồng chìm đáy nước" của họa sĩ Ca Lê Thắng
Một tác phẩm trong triển lãm "Đồng chìm đáy nước" của họa sĩ Ca Lê Thắng

Họa sĩ Ca Lê Thắng sinh năm 1949 tại Bến Tre trong gia đình trí thức. Cha ông là giáo sư Ca Văn Thỉnh, từng giữ chức Quyền Bộ trưởng Giáo dục năm 1946. Ông có các anh chị là những người tài hoa, thành danh trong văn học nghệ thuật, như: nhạc sĩ Ca Lê Thuần, đạo diễn Ca Lê Hồng, nhà thơ – liệt sĩ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến). Người bạn đời của ông là nhà điêu khắc Phan Gia Hương (1951-2022), hai ông bà là đôi vợ chồng tâm đầu ý hợp trong đời và các trong hoạt động mỹ thuật và giáo dục, được đồng nghiệp và học trò mến mộ.

Nổi và chìm của họa sĩ Ca Lê Thắng ảnh 1

Họa sĩ Ca Lê Thắng

Năm 1955, họa sĩ Ca Lê Thắng theo gia đình tập kết ra Bắc, lớn lên theo học mỹ thuật tại Hà Nội. Ông từng giảng dạy tại trường ĐH Mỹ thuật TPHCM. Trong những năm 1990, họa sĩ Ca Lê Thắng làm Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM. Kể ra để thấy, họa sĩ Ca Lê Thắng có thời gian dài của cuộc đời gắn liền với mỹ thuật nhưng mãi đến nay ông chỉ có 3 triển lãm cá nhân. Vì sao vậy?

Cuối năm 2021, khi ngoài 70 tuổi, họa sĩ Ca Lê Thắng mới làm triển lãm cá nhân đầu tiên có tên “Mùa nước nổi” tại Hà Nội. Triển lãm này của ông nhận được sự quan tâm của rất lớn của giới mỹ thuật, không chỉ tên tuổi của Ca Lê Thắng có sức thu hút mà còn vì một họa sĩ như ông lại bày tranh quá muộn khi tuổi đời đã rưng rưng.

Mãi đến giữa năm 2023, họa sĩ Ca Lê Thắng làm triển cá nhân lần thứ hai cũng mang tên “Mùa nước nổi” tại phòng trưng bày của Hội Mỹ thuật TPHCM. Triển lãm lần này kéo dài một tuần, quá ngắn so với mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ. Triển lãm ngắn ngày nhưng dư âm của “Mùa nước nổi” thì lại rất dài từ ngày họa sĩ Ca Lê Thắng còn là cậu bé đến những ngày xa quê hương và “mùa nước nổi” đã trở về trong ông khi tuổi xế chiều.

Nhưng “Mùa nước nổi” như tên gọi chỉ là một phần nổi trong các sáng tác của họa sĩ Ca Lê Thắng về quê hương miền Tây Nam bộ. Triển lãm “Đồng chìm đáy nước” của ông lần này như để bổ sung phần còn lại, những cái mà mắt thường khó có thể nhìn thấy đang ẩn sâu dưới đáy của một vùng văn hóa rộng lớn. Và những gì chìm dưới đáy kia chính là trầm tích vĩnh viễn.

Nổi và chìm của họa sĩ Ca Lê Thắng ảnh 2

Họa sĩ Ca Lê Thắng tại triển lãm "Đồng chìm đáy nước"

Họa sĩ, nhà văn Trần Luân Tín, bạn cùng thời với Ca Lê Thắng, nhận xét: “Sáng tác của họa sĩ Ca Lê Thắng thì ra đi trăm ngả, giờ kịp trở về, thốt nhiên cuồn cuộn những nhịp thơ lung linh say đắm. Có đủ yêu thương, có đủ nội lực để trang trải lòng mình trên những tấm toan rất lớn như thế, đủ biết quê hương với anh sâu đậm đến nhường nào. Phong cách giống như cơ địa, khó mà "tìm" ra được. Nó thực sự rất tự nhiên. Họa sĩ Ca Lê Thắng đã gặp mình trong một dịp trở về, chắc anh cũng không thể nhớ là dịp nào, chỉ biết giờ đây anh thoải mái vô cùng trên các tác phẩm của mình. Trường phái hay xu hướng là việc các nhà lý luận sẽ sắp xếp. Các tác phẩm vẽ về quê hương của họa sĩ Ca Lê Thắng được thốt lên từ cảm hứng của một thi sĩ, từ tình yêu của một người con và từ tay nghề điêu luyện có thể lập tức bắt nhịp được cảm hứng của trái tim mình”.

Còn học trò của họa sĩ Ca Lê Thắng, họa sĩ Phan Trọng Văn - hiện đang phụ trách chuyên môn cho Maii Art Space – một phòng tranh đang hoạt động rất sôi nổi tại TPHCM, thì cảm nhận: “Trong khi "Mùa nước nổi" của họa sĩ Ca Lê Thắng mang đến cảm giác tươi mới, tràn đầy sức sống và sự phong phú của thiên nhiên, thì "Đồng chìm đáy nước" lại tạo ra một không gian trầm lắng hơn, trống trải, cô đơn hơn, những ký ức về một thời đã qua, nơi mà tác giả đã từng sinh ra, lớn lên, ra đi rồi trở về. Sự đối lập giữa hai tên gọi này không chỉ thể hiện sự đa dạng trong phong cách vẽ của ông mà còn đánh dấu một chu kỳ cảm xúc, một giai đoạn sáng tác trong suốt hành trình sáng tạo. "Mùa nước nổi" có thể là biểu tượng của sự sinh sôi, phát triển, kiểu như “bung lụa”, trong khi "Đồng chìm đáy nước" lại là hình ảnh của sự lắng đọng, suy tư, tĩnh lặng”.

Triển lãm “Đồng chìm đáy nước” kéo dài một tháng đến ngày 13/1/2025.

Một số tác phẩm của họa sĩ Ca Lê Thắng trong triển lãm "Đồng chìm đáy nước":

Nổi và chìm của họa sĩ Ca Lê Thắng ảnh 3
Nổi và chìm của họa sĩ Ca Lê Thắng ảnh 4
Nổi và chìm của họa sĩ Ca Lê Thắng ảnh 5
Nổi và chìm của họa sĩ Ca Lê Thắng ảnh 6
Nổi và chìm của họa sĩ Ca Lê Thắng ảnh 7
Nổi và chìm của họa sĩ Ca Lê Thắng ảnh 8
Nổi và chìm của họa sĩ Ca Lê Thắng ảnh 9
Nổi và chìm của họa sĩ Ca Lê Thắng ảnh 10
Phở - Một thế kỷ định hình và lan tỏa
Phở - Một thế kỷ định hình và lan tỏa
(Ngày Nay) - Phở ra đời trong bối cảnh giao thoa văn hóa Việt - Pháp đầu thế kỷ 20 và được coi là món ăn quốc dân của Việt Nam, vượt qua thời gian để trở thành biểu tượng ẩm thực độc đáo. Từ những gánh hàng rong đến những quán phở gia truyền và hàng loạt chuỗi nhà hàng cao cấp, phở đã trở thành câu chuyện văn hóa và kinh tế mang tính biểu tượng.