Chất lượng không khí ở làng của Sharma ở bang Haryana tệ đến mức người chú mắc bệnh hen suyễn của anh khó thở, nghĩa là người đàn ông này cần một máy phun sương để bơm thuốc trực tiếp vào phổi.
Sharma, 22 tuổi, ở làng Karnal, nơi nổi tiếng với nghề trồng lúa và lúa mì, cho biết: “Chúng tôi biết đốt gốc rạ có hại, đặc biệt đối với sức khỏe của cha mẹ và con cái chúng tôi”.
Nhưng đối với người nông dân trẻ này, giải pháp thay thế duy nhất để giải quyết rơm rạ là xếp hàng thuê máy móc để dọn sạch cánh đồng của mình, với cái giá không hề rẻ.
Thời gian chờ đợi trung bình để thuê một chiếc máy là khoảng 2 tuần. Nông dân Ấn Độ cho biết việc bỏ ra 300.000 rupee (3.606 USD) để một chiếc máy gặt nằm ngoài tầm với của họ.
Dữ liệu từ Ban Kiểm soát Ô nhiễm Ấn Độ (CPCB) cho thấy cư dân ở Delhi và các khu vực lân cận ở các bang Haryana, Uttar Pradesh và Punjab đã phải trải qua đợt ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong tuần qua.
Theo cơ quan giám sát chất lượng không khí của chính phủ SAFAR, hoạt động đốt rơm rạ ở Punjab và Haryana thường gây ra 30% đến 40% ô nhiễm từ tháng 10 đến tháng 11 ở vùng thủ đô Delhi.
Sau khi chính phủ áp đặt các biện pháp phạt tiền đi kèm với ưu đãi đối với nông dân, số vụ đốt rơm trong năm nay đã giảm 40-50% so với một năm trước, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn chọn cách thức truyền thống.
Ajay Singh Rana, một quan chức trang trại ở bang Haryana, cho biết số trang trại đốt gốc rạ ở gần thành phố Karnal đã giảm xuống còn 96 trang trại trong năm nay so với 270 trang trại năm ngoái.
Trong khi việc đốt rơm rạ vẫn tiếp diễn, chú của Sharma, ông Mukhi Ram Sharma, cho biết ông chủ yếu ở nhà.
“Tôi cảm thấy khó thở và rất khó chịu suốt tháng qua”, người đàn ông 75 tuổi nói.
Dữ liệu của CPCB cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) của các vùng canh tác nông nghiệp miền Bắc ở mức "rất kém" (trên 300) trong vài ngày qua.
Con số này vẫn ở mức trên 400 ở vùng thủ đô Delhi, tốc độ gió thấp cũng khiến các loại khí thải từ xe cộ và công nghiệp làm tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng.
Một số cư dân bâng Haryana cho biết chính quyền ngần ngại thực hiện hành động cứng rắn đối với nông dân, vốn là lực lượng cử tri nắm một lượng lớn phiếu bầu, trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào đầu năm tới.
Bajinder Pal Punia, cư dân 54 tuổi tại bang Haryana, cho biết: “Không ai có ý chí chính trị để ngăn chặn mối phiền toái này”.