Nước kéo đến đâu, bệnh phát đến đó

[Ngày Nay] - Sau khi nước rút, người dân ở 3 xã bị ngập úng nặng tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội được thăm khám, kiểm tra sức khỏe. 40 bệnh nhân đau mắt đỏ, gần chục bệnh nhân tiêu chảy, hàng chục bệnh nhân mắc bệnh da liễu và hàng loạt bệnh “khó nói” khác…
Nước kéo đến đâu, bệnh phát đến đó

Sống chung với… ngứa

Những ngày đầu tháng 8, sau 20 ngày nước tràn bờ, người dân xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) vẫn phải lội bì bõm trong nước. Nắng le lói, nhưng con đường bê tông vào thôn Nhân Lý, Nam Hài, Hạnh Bồ… chưa một ngày khô ráo. Nhiều gia đình vẫn bị mất điện, sống trong bóng đêm sau 7 giờ tối.  Bà Duyên (thôn Nam Hài) làm bạn với thùng mì tôm suốt những ngày nhìn mưa rơi. Bữa cơm thiếu rau xanh, nước sạch, bà phải tằn tiện lắm mới đủ nước nấu mì, nước tắm hoàn toàn dựa vào nước mưa. Nhà ẩm ướt, kiến bò đầy giường khiến bà Duyên mất ngủ mấy tuần nay. Đôi bàn chân của bà Duyên bị nước ăn ngứa ngáy như lên cơn ghẻ. Bà bảo, xã đã phát cho người dân quanh vùng mỗi nhà 1-2 lọ thuốc bôi chống nước ăn chân nhưng chỉ bôi được vài lần là hết. Thuốc hết, chân thì vẫn ngứa.

Nước kéo đến đâu, bệnh phát đến đó ảnh 1

Bà Hậu thôn Hài Tiến, xã Nam Phương Tiến cũng chung tình trạng ngứa cả ngày lẫn đêm. Suốt ngày lội nước cho vịt ăn nên chân bà bị nước ăn sâu, bong tróc. Bà không có điều kiện bôi thuốc cả ngày, vì lúc nào cũng lội nước lùa gà lùa vịt. Tình trạng bệnh vì thế không có chiều hướng suy giảm. Bà than thở, lúc nào cũng bứt rứt khó chịu, chỉ muốn chặt bỏ chân.

Không chỉ bị cơn ngứa hoành hành, ông Yên ở xã Hoàng Văn Thụ - xã giáp ranh với Nam Phương Tiến còn thêm bệnh tiêu chảy vì thiếu nước sạch và rau xanh. “Xã này có hai thôn bị cô lập hoàn toàn là Yên Trình và Thuần Lương, một số thôn khác như Văn Phú, An Tiến, Văn Sơn… cũng vẫn bị ngập. Nơi ở bẩn thỉu, vào tới sân là tràn ngập mùi hôi thối từ xác gà, xác vịt bốc lên., mấy đứa con tôi đã di tản hết cả, chỉ mình tôi ở nhà trông coi” – ông Yên kể.

Những ngày đầu tháng 8, trạm y tế xã Hoàng Văn Thụ trùng với lịch tiêm chủng theo định kỳ cho trẻ em trong xã. Trẻ em trong xã mấy tuần nay thiếu dinh dưỡng, thiếu nước sạch càng thêm ốm yếu.

Nước kéo đến đâu, bệnh phát đến đó ảnh 2

Từ sáng sớm, rất nhiều phụ huynh đã lội nước đưa con em tới tiêm phòng. Có chị phụ nữ bụng mang dạ chửa đưa con qua tiêm phòng, hai mẹ con chòng chành trên thuyền thúng, con đến tiêm chủng, mẹ đến khám bệnh nấm kẽ chân… Theo bác sĩ trong trạm y tế, nhiều người lớn lội nước theo con đến khám bệnh vì bị tiêu chảy, đau mắt đỏ, nấm kẽ chân, cúm…

Lập đội cơ động phòng dịch

Những ngày mưa lũ, nguồn nước giếng chìm trong nước bẩn, người dân Chương Mỹ chỉ biết trông chờ vào những bình nước khoáng được cấp phát. Quá thiếu nước, nhiều hộ gia đình trong vùng phải đi xin nước từ những hộ ở nơi cao hơn và phải dùng rất tiết kiệm với số nước đó.

Không khó để bắt gặp những chiếc thuyền chở đầy những bình nước lọc được đẩy đi khắp 3 xã, đưa nước sạch tới từng hộ dân. Mỗi ngày một hộ được phát 1 bình, chỉ đủ nấu ăn và uống đỡ khát. Bệnh ngoài da và các bệnh về mắt, đường tiêu hóa… bủa vây đời sống.

Nước kéo đến đâu, bệnh phát đến đó ảnh 3

Tại buổi làm việc giữa Giám đốc Sở Y tế Hà Nội với Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Chương Mỹ mới đây, ông Dương Viết Tài, Giám đốc TTYT huyện Chương Mỹ cho biết: TTYT huyện Chương Mỹ đã phối hợp với trạm y tế các xã đã tổ chức cấp phát 4.688 túi thuốc gồm thuốc tra mắt, thuốc ngoài da; 5.740 túi Cloramin B; 2.740 túi phèn chua cho các hộ dân bị ngập úng. Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, cán bộ y tế của trung tâm và trạm, y tế thôn đã tổ chức tổng vệ sinh môi trường cho 347 hộ gia đình. Đặc biệt TTYT huyện đã thành lập 5 đội cấp cứu cơ động thường trực tại đê Tả Bùi sẵn sàng ứng cứu kịp thời nếu có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, TTYT huyện Chương Mỹ cũng thành lập đội cơ động phòng chống dịch, phối hợp với các xã lên phương án vệ sinh môi trường sau ngập úng. Đội cơ động này dự trù cơ số thuốc, trang thiết bị y tế sẵn sàng cho công tác sơ cấp cứu cho người dân và chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau ngập úng.

Tăng cường đối phó bệnh tật

Để phòng  các dịch bệnh nguy hiểm ngay sau khi nước rút, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu TTYT huyện Chương Mỹ đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ như các bệnh về da, mắt, đường tiêu hóa, rắn cắn, các trường hợp tai nạn thương tích như điện giật, đuối nước; các biện pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt sạch sẽ, chất lượng.

Nước kéo đến đâu, bệnh phát đến đó ảnh 4

Sở yêu cầu huyện Chương Mỹ chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; xử lý xác súc vật chết; thu gom rác thải sinh hoạt và tiêu hủy đúng quy định không để ô nhiễm môi trường gây ra dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Để dập dịch bệnh triệt để, Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội đã cử cán bộ có trình độ chuyên môn cao giám sát, hỗ trợ Chương Mỹ giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường khi nước rút và dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng việc vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát, đe dọa tính mạng người dân.

Các xã ngập úng nặng phòng dịch bệnh trên tinh thần nước rút đến đâu vệ sinh môi trường ngay đến đó.

Những ngày này, Chương Mỹ đang tích cực phun hóa chất khử khuẩn môi trường, cùng người dân thau rửa giếng nước để đảm bảo các hộ có nước sạch sử dụng, tổ chức phun hoá chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút để phòng các bệnh về da, đau mắt, sốt xuất huyết…

Cách tốt nhất phòng bệnh sau mưa lũ

Sau mưa lũ, cách phòng chống dịch bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt. Dưới đây là khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

Diệt bọ gậy: thả cá bảy màu, cá đuôi cờ vào các nơi chứa nước để cá diệt bọ gậy. Thu gom, hủy bỏ các vật dụng phế thải xung quanh nhà là những nơi có thể chứa nước mưa tạo nơi đẻ trứng của muỗi như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ và gáo dừa, lốp xe...; đậy kín các dụng cụ chứa nước như: bể nước, chum, vại, lu khạp; lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Phòng chống muỗi đốt: mặc quần dài, áo dài tay, nhất là trẻ em. Ngủ trong màn kể cả ban ngày. Dùng thuốc xịt diệt muỗi, hương xua muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Tẩm hóa chất chống muỗi vào chăn màn, rèm. Cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết hay sốt rét nằm trong màn, tránh muỗi đốt và truyền bệnh sang người khác.

Ngoài ra, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Chủ động thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ…

Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.