Nước Ý tranh cãi khi giá mì ống tăng gần 20%

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tại Ý, một cuộc tranh luận sôi nổi về việc giá mì ống tăng vọt đã buộc chính phủ phải triệu tập một cuộc họp khủng hoảng trong tuần này.
Nước Ý tranh cãi khi giá mì ống tăng gần 20%

Ông Adolfo Urso, Bộ trưởng Doanh nghiệp và Sản xuất, đã triệu tập một ủy ban mới để thảo luận về việc tăng giá mì ống. Cụ thể, giá mì ống đã tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3.

Nhiều hiệp hội người tiêu dùng đã cáo buộc các nhà sản xuất đầu cơ và đệ đơn khiếu nại, yêu cầu cơ quan chức năng điều tra. Trong khi các nhà sản xuất viện dẫn nhiều yếu tố, bao gồm chi phí năng lượng cao hơn, gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát buộc họ phải tăng giá loại thực phẩm hàng đầu trong chế độ ăn của người Ý.

Kết thúc cuộc họp hôm thứ Năm, ông Benedetto Mineo, quan chức giám sát giá cả trong chính phủ Ý, khẳng định “giá mì ống dự kiến sẽ giảm đáng kể trong thời gian ngắn” và các nhà chức trách sẽ tiếp tục giám sát giá “để bảo vệ người tiêu dùng”.

Hiện một hộp mì ống tại Ý có giá khoảng 2 USD (gần 50.000 đồng), dù không quá cao thế nhưng ở Ý, bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến mì ống, thứ gắn liền với bản sắc dân tộc, đều thu hút sự chú ý lớn. Một ước tính cho thấy rằng hơn 60% người Ý ăn mì ống hàng ngày.

Fabio Parasecoli, giáo sư nghiên cứu thực phẩm tại Đại học New York, cho biết phản ứng của chính phủ Ý cho thấy “giá trị văn hóa, tình cảm, biểu tượng mà mì ống mang lại cho người Ý”.

Theo Coldiretti, cơ quan nông nghiệp lớn nhất của Ý, giá lúa mì, nguyên liệu tạo nên mì ống, đã giảm 30% kể từ năm ngoái. Phía Coldiretti cho rằng làm việc sản xuất mì ống chỉ cần cho nhiều nước vào lúa mì, do đó việc tăng giá dường như là không chính đáng.

Assoutenti, một nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã công bố một cuộc khảo sát về giá mì ống vào tháng 4, đổ lỗi cho việc tăng giá này là do các nhà sản xuất đầu cơ.

Ông Furio Truzzi, chủ tịch của Assoutenti, cho biết: “Không có lời biện minh nào cho sự gia tăng này ngoài sự đầu cơ thuần túy từ phía các nhà sản xuất lớn.

Báo cáo của Assoutenti cho thấy giá mì ống đã tăng trung bình 25% so với năm ngoái, với một số thành phố công nghiệp như Modena chứng kiến mức tăng gần 50%. Chỉ 12 trong số 110 tỉnh của Ý mới có thể mua 1 kg mì ống với giá dưới 2,2 USD.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất mì ống cho rằng giá mì tăng do chi phí sản xuất ngày càng lớn. Tổ chức Unione Italiana Food cho biết giá năng lượng, bao bì và vận chuyển đều tăng, buộc các nhà sản xuất đẩy gánh nặng chi phí lên người tiêu dùng.

Các chuyên gia khác chỉ ra rằng dư chấn của cuộc xung đột ở Ukraine cũng là một nguyên nhân đáng kể tác động lên giá mì ống.

Michele Crippa, giáo sư khoa học ẩm thực cho biết: “Các hộp mì ống bày bán trên kệ hôm nay được sản xuất từ nhiều tháng trước khi lúa mì cứng được mua với giá cao và chi phí năng lượng ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng".

Mặc dù giá của một hộp mì ống vẫn có thể tương đối thấp, nhưng bối cảnh kinh tế ở Ý khiến nhiều gia đình cảm thấy khó khăn khi một mặt hàng phổ biến như mì ống lại tăng giá.

Giá cả tăng vẫn là một mối quan tâm với nền kinh tế Ý. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán rằng nền kinh tế Ý sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay, dưới mức dự báo 1,3% đối với các nền kinh tế lớn.

Khi coi việc tăng giá mì ống như một cuộc khủng hoảng, chính phủ Ý có thể đang cố gắng thể hiện rằng họ “quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người dân, ngay cả khi tác động có thể thấp hơn nhiều so với tác động của việc tăng hóa đơn tiền điện", theo giáo sư Fabio Parasecoli.

Chính phủ theo đường lối cực hữu của Ý gần đây đã đổi tên Bộ Nông nghiệp thành Bộ Nông nghiệp, Chủ quyền Lương thực và Lâm nghiệp.

Đáp lại những cáo buộc về việc đầu cơ, ông Francesco Mutti, giám đốc điều hành của công ty Mutti, chuyên sản xuất thực phẩm bảo quản, cho rằng người tiêu dùng muốn tìm kiếm "vật tế thần" và các nhà sản xuất đã phải tăng giá để theo kịp với chi phí vận hành.

“Khi giá cả tăng lên, bạn có nguy cơ mất thị phần và đó là điều không tốt cho bất kỳ ai. Khi tăng giá, chúng tôi cũng không cảm thấy vui vẻ", ông Mutti cho biết.

Giuseppe Ferro, giám đốc điều hành của La Molisana, một nhà sản xuất mì ống lớn của Ý, dự đoán rằng giá mì sẽ giảm vào tháng 9.

Đây không phải là lần đầu tiên giá mì ống khiến các công ty gặp khó khăn. Năm 2009, các nhà chức trách Ý đã điều tra các nhà sản xuất mì ống hàng đầu vì cáo buộc đầu cơ và phạt họ gần 18 triệu USD.

Theo Washington Post
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.