Ngoài những tháng nắng nóng trong mùa Hè, các cơ quan cứu hỏa của Úc thường chủ động đốt những lớp vỏ cây và lá khô trong rừng, nhằm giảm nguy cơ xảy ra cháy lớn trong mùa hanh khô. Đây được coi là các hoạt động đốt rừng chủ động và có kiểm soát.
Nhưng từ 3/5, các cơ quan này buộc phải giảm bớt hoạt động đốt rừng chủ động vì khói trong không khí đã lên tới mức nguy hiểm. Theo các số liệu chính thức, mức ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 (loại bụi có thể thâm nhập sâu vào phổi, gây ra các bệnh về đường hô hấp) ở Sydney đã ở mức báo động, ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày của người dân. Dịch vụ vận tải bằng phà đã phải hủy chuyến, 5 triệu cư dân của thành phố được khuyến cáo ở trong nhà.
Các vụ cháy rừng vào cuối năm 2019 đầu năm 2020 đã tàn phá hơn 115.000 km2 diện tích rừng và đất hoang tại Úc, làm 33 người thiệt mạng, thiêu hủy hơn 3.000 ngôi nhà và khiến Sydney cùng nhiều thành phố khác chìm trong những đám khói dày đặc trong vòng nhiều tháng trời. Thiệt hại ngân sách nước này ước tính khoảng 20 tỷ AUD, tương đương 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo thống kê của chuyên gia Đại học Sydney, Đại học New South Wales, Đại học Newcastle, Đại học Charles Sturt và nhóm bảo tồn BirdLife Australia, gần 3 tỷ cá thể động vật hoang dã bị chết hoặc phải rời khỏi nơi trú ẩn trong mùa cháy rừng này. Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân khiến các vụ cháy rừng kéo dài hơn và nguy hiểm hơn.