Sở hữu 65% vốn tại Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), Tổng công ty Vận tải Thủy (Vivaso) đang đứng trước làn sóng phản đối của nhiều nghệ sĩ tại hãng phim, khi không đáp ứng những cam kết trước đó đối với nhà đầu tư chiến lược, cũng như mục đích thực sự của việc đầu tư. Tuy nhiên, ông chủ thực sự của VFS không hẳn đã là đơn vị này. Bản thân Vivaso cách đây gần 4 năm cũng trở thành đối tượng bị thâu tóm bởi một doanh nghiệp tư nhân khác.
Tháng 4/2016, Hãng phim truyện Việt Nam được cổ phần hóa. Theo phương án khi đó, vốn điều lệ sau cổ phần hóa của VFS sẽ đạt 50 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 20% vốn, cán bộ nhân viên nắm giữ 4,5%, và 10,5% được đấu giá thông qua phiên IPO, còn 65% vốn được bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Với việc chi ra hơn 32 tỷ đồng, Vivaso sau đó đã trở thành công ty mẹ chi phối hoạt động của VFS. Dù vậy, đứng sau công ty này lại là một “ông lớn” trong ngành xây dựng hạ tầng đường giao thông - Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường (Vạn Cường).
Cuối tháng 3/2014, Vivaso thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với việc chào bán hơn 15 triệu cổ phiếu (46% vốn điều lệ). Phiên đấu giá đã không thành công như mong đợi khi đơn vị này chỉ bán được hơn nửa triệu cổ phần với mức giá đấu thành công ngang với mệnh giá - 10.000 đồng mỗi cổ phần.
Tuy nhiên, 7 ngày sau khi phiên đấu giá được tổ chức, Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường đã gửi công văn tới Bộ Giao thông vận tải xin mua toàn bộ số cổ phần chưa bán hết trong phiên đấu giá. Chưa dừng ở đó, dù người đứng đầu Vạn Cường từng lên tiếng nhận định ngành vận tải thủy gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp tư nhân này vẫn tiếp tục chi ra hàng trăm tỷ đồng để nâng sở hữu tại Vivaso lên hơn 77%.
Tháng 2/2016, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc của Vạn Cường cũng là một trong ba nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua toàn bộ số cổ phần khi Bộ Giao thông vận tải đăng ký thoái hơn 22% vốn điều lệ còn lại tại doanh nghiệp này.
Công ty Vạn Cường được thành lập từ năm 1992 với vốn điều lệ 300 tỷ do ông Nguyễn Thủy Nguyên là chủ tịch. Ông Nguyên hiện cũng nắm giữ gần 99% cổ phần tại doanh nghiệp này, số còn lại do một số cá nhân khác sở hữu.
Không có nhiều liên quan đến hoạt động vận tải đường thủy của Vivaso hay sản xuất phim truyện của VFS, Vạn Cường thực tế lại là một doanh nghiệp tư nhân lớn hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Là doanh nghiệp không còn xa lạ với Bộ Giao thông vận tải và các ban quản lý dự án, Vạn Cường từng được Bộ giao thi công hạ tầng nhiều dự án đường bộ quan trọng như quốc lộ 1A và quốc lộ 14.
Sau khi chi hàng trăm tỷ để thâu tóm Vivaso, ông Nguyễn Thủy Nguyên trở thành tân Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này. Ông cũng là đại diện đơn vị thâu tóm VFS giải quyết thắc mắc của các nghệ sĩ trong phiên đối thoại căng thẳng ngày 19/9.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc của Vạn Cường - đơn vị thâu tóm Visaco. |
Trước thông tin cho rằng mua lại hãng phim với giá hơn 30 tỷ đồng, nhưng mục đích là nhắm đến giá trị quỹ đất mà VFS đang sở hữu lên tới trên 2.000 tỷ, ông Nguyên khẳng định đó là đất thuê, nên bất cứ khi nào thành phố yêu cầu thu hồi thì doanh nghiệp sẽ tuân thủ.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch - Huỳnh Vĩnh Ái xác nhận: "Đúng là có vị trí 'đất vàng' thật, song không được định giá. Đất của hãng phim, không phải muốn làm gì thì làm. Nhà đầu tư phải đưa ra phương án sử dụng đất, như Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Đông Anh làm gì? ".
Tại buổi làm việc chiều 21/9 với lãnh đạo Bộ, ngành, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) và Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh, với những bất động sản đang thuộc quyền quản lý của hãng, nếu dùng vào làm phim thì được, nếu không sẽ bị thu hồi. Vivaso cho biết, hiện mỗi tháng khoản lỗ của đơn vị này tại VFS khoảng 800 triệu đồng, 6 tháng đầu năm lỗ hơn 4 tỷ.
Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới. Trước đó, tháng 12/2016, Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của hãng phim, nhằm điều chỉnh tăng giá trị phần vốn Nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Thủ tướng khi đó cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi quy định để bán đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất vàng do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ để bảo đảm sát giá thị trường, tránh thất thoát tài sản Nhà nước... |
Theo Vnexpress