Pháo bông, bánh chưng xanh theo chân người đi xa…

(Ngày Nay) - Mỗi lần xem quảng cáo trên truyền hình vào những ngày giáp Tết, thấy cảnh đoàn viên, những chuyến bay, chuyến tàu nối dài đưa dòng người về đoàn tụ gia đình, tôi lại thèm bay về quê hương. Gặp gỡ, đoàn tụ, sum vầy, chỉ có thể là Tết và cũng chỉ Tết Việt mới có thể mang lại nguồn cảm xúc thiêng liêng như thế với những người xa xứ. 

Tôi viết những dòng này bên khung cửa sổ đầy tuyết trắng, ngoài kia tuyết ngập lối và trĩu nặng trên những tán cây. Xa Việt Nam hơn hai mươi năm và trải qua hai mươi cái Tết xa quê hương, Tết Việt nơi tôi sống - Hutisko – Solanonec – một thị trấn nhỏ của nước cộng hoà Séc gõ cửa khi không gian đón cái giá lạnh của tuyết bên những rặng thông xanh thẳng vút.

Pháo bông, bánh chưng xanh theo chân người đi xa… ảnh 1

Ngày trẻ khi còn ở nhà, thế hệ chúng tôi thường được đốt phát hoa, pháo dây mỗi dịp Tết. Nhà tôi ở ven sông Hồng, mỗi thời khắc giao thừa, sau khi chờ bố cúng giao thừa xong, tôi cùng đám trẻ trong nhà thường cắm pháo hoa vào chậu hành hương rất to ở trước hiên, sau đó chạy theo lũ trẻ trong xóm ra bờ đê  đốt pháo. Pháo hoa làm cái Tết nghèo của thế hệ chúng tôi ngày ấy trở nên lung linh và kỳ diệu. Sáng mùng Một Tết là cảm xúc háo hức chờ bố thắp hương mâm cỗ đầu năm, chờ được nhận tiền mừng tuổi, chờ nghe những lời dặn dò của bố mẹ cho cả một năm sắp tới. Nghe qua có vẻ là những lễ nghi, nhưng yêu thương và bình dị lắm, kỉ niệm ấy lúc nào cũng khiến tôi cay mũi khi nhớ lại.

Tôi mang theo những kỉ niệm xa xôi ấy theo mình suốt mấy chục năm bôn ba xứ người. Và Tết ở nơi rất xa Tổ quốc, tôi lại theo nếp cũ, đốt pháo bông cho các con đón Tết mỗi khi đón thời khắc Giao thừa. Ít nhiều tôi muốn ghi dấu trong kí ức của các con một chút phong vị Tết Việt cổ truyền xưa. Các con tôi háo hức lắm, chúng rất thích nhìn pháo bông tỏa sáng, tiếng reo vui nghe như ngày tôi còn nhỏ. Cứ như thế, mỗi dịp Tết về, các con tôi lại hỏi: “Năm nay bố có mua pháo bông không ạ?” – Cái háo hức giống y tôi ngày xưa, nhưng ngày xưa nghèo lắm, tôi nào dám hỏi, chỉ thấp thỏm ngó chiếc làn của mẹ mỗi khi mẹ đi chợ về.

Pháo bông, bánh chưng xanh theo chân người đi xa… ảnh 2

Nhà tôi mở một siêu thị nhỏ ở Séc, quanh năm sáng tối tôi đều làm việc không ngừng nghỉ. Tết Việt ở nơi xa xứ bắt đầu dập dìu gõ cửa từ ngày 25-26 tháng Chạp, khi vợ chồng tôi cùng nhau thu xếp công việc đi chợ châu Á mua sắm đồ Tết. Khu chợ ở đây bán đầy đủ các mặt hàng truyền thống để người Việt có thể đón Tết sum vầy như ở nhà, từ măng khô, miến dong, bóng lợn đến lá dong, phong bao lì xì… Tết có cả những chậu hoa đào miền Bắc, những chậu quất nhỏ xinh mọng quả. Mỗi lần đi chợ sắm Tết, thấy hoa đào hồng phai, tôi lại bâng khuâng nhớ về cây đào ở góc vườn nhà mình năm xưa. Hàng năm, cứ độ tháng Mười âm lịch, bố tôi lại tuốt lá đào để hoa kịp bung nở đúng dịp Tết. Ông làm công việc đó tỉ mỉ, đong đầy tình cảm và trong lòng con trẻ chúng tôi như cảm thấy Tết đến rất gần rồi. Xa quê hương nhiều năm quá, giờ bố tôi tóc đã bạc trắng, ông không còn sức khoẻ để tuốt lá đào như năm xưa…

Năm nào tôi cũng gắng chọn mua một chậu đào lớn, màu hoa hồng pha trắng, gần giống với cây hoa đào trong góc vườn nhà tôi. Giá một chậu đào khoảng $150, tính ra hơn ba triệu tiền Việt Nam. Cây đào năm nay có dáng uốn lượn, hoa bung nở và thấp thoáng những chồi lộc xanh biếc. Thực ra đó là hoa đào giả, tôi chưa từng mua được một cành đào thật như quê nhà trong suốt hơn hai mươi năm sống xứ người. Không biết tới khi nào, người Việt mới có thể mang được cành đào thật tới nơi tôi sống.

Pháo bông, bánh chưng xanh theo chân người đi xa… ảnh 3

Năm nay, để gọi hồn Tết về nhà, chúng tôi còn mua thêm một chậu quất nhỏ, măng khô, miến dong… đầy đủ đồ nấu cỗ cổ truyền cho cả gia đình. Sau khi đã mua sắm xong, tôi thường liên hệ bạn bè để hẹn lịch gói bánh chưng. Khu tôi ở không có nhiều người Việt, những ngày giáp Tết một vài nhà thân thiết thường quây quần gói bánh chưng, nghe nhạc xuân cùng nhau. Lá dong ở đây chỉ có thể mua lá đông lạnh, nhưng màu sắc vẫn xanh tươi như lá mua ở các ngõ chợ cóc Việt Nam trong trí nhớ của tôi. Ngày còn thanh niên ở nhà, tôi chẳng bao giờ để ý tới công việc này, mọi việc đều có mẹ, có dì lo hết. Sang nước ngoài những năm đầu tiên, tôi cũng vì mải mưu sinh mà không nghĩ nhiều tới ngày Tết. Hồi đó tôi cũng mong Tết đến, đơn giản vì có nhiều người sẽ đặt tôi cuốn nem sẵn. Tôi làm không biết bao nhiêu hộp nem, vừa bán hàng tại siêu thị riêng của mình vừa tranh thủ cuốn nem để kịp giao cho khách đón Tết. Sau này có gia đình, cuộc sống ổn định hơn, tôi bắt đầu tập muốn gìn giữ Tết xưa trong nhà mình, vì vậy tôi tập gói bánh chưng. Chúng tôi mang khuôn gỗ từ Việt Nam sang, hoặc đôi khi dùng khuôn tự chế từ những tấm bìa. Tôi cho các con rửa lá dong, lau khô lá để các con cảm nhận chút không khí Tết Việt. Các nhà cùng thức đêm luộc bánh như ở quê nhà. Những người con xa quê như chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ, trân trọng ngày Tết cho con cháu mình và cho cả chính kí ức thanh xuân của mình.

Xa xứ, cả nhà tôi còn có thói quen mới là quây quần xem chương trình Gặp nhau cuối năm hay thường gọi là Táo quân. Tôi học được điều này trong một chuyến về quê ăn Tết cách đây vài năm. Tết ấy, tôi thực sự ấn tượng vì đêm ba mươi Tết, mọi người ai cũng tập trung xem chương trình Táo quân. Tôi xem và cũng thấy biết nhiều hơn, hiểu hơn về đời sống ở Việt Nam khi xa nhà.

Pháo bông, bánh chưng xanh theo chân người đi xa… ảnh 4

Năm nay tôi cũng mua nhiều pháo bông cho các con của mình, tôi vẫn mong không khí đoàn viên ấy luôn đến với gia đình tôi mỗi dịp Tết đến xuân về. Các con tôi sẽ lại reo vui như tôi ngày nhỏ trong thứ ánh sáng lấp lánh và kì diệu đó.

Tôi nhớ ở Việt Nam có bộ phim tên “Dạ cổ hoài lang”, nhưng tôi cũng mới chỉ có thể xem phần giới thiệu phim và bài hát chủ đề của phim. Ấn tượng nhất với tôi là cô bé sinh ra ở nước Mỹ xa xôi, mặc áo dài trắng, ngồi trên xe chất đầy rơm rạ, trên chiếc thuyền chạy dọc dòng kênh nhỏ để về thăm quê, nơi sinh ra ông bà và bố của mình. Nếu tôi không nhầm thì hình như cũng phải trải qua những vấp ngã, những va chạm để cô bé ấy hiểu được hai tiếng quê hương, để trở về thăm nơi lớn lên, gắn bó của ông bà mình. Những điều đó chạm tới những lo âu, trăn trở trong lòng tôi khi xa xứ. Tôi vẫn luôn cố gắng thu xếp thời gian và tài chính để đưa các con mình về Việt Nam thăm ông bà, biết hơn về quê hương. Tôi cũng mong muốn, con trai con gái tôi khi lớn lên có thể hướng về quê hương với những tình cảm thân thương nhất.

Pháo bông, bánh chưng xanh theo chân người đi xa… ảnh 5
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.