Theo Independent, các khoa học thuộc Đại học Y khoa Vienna phát hiện 9 loại vi hạt nhựa khác nhau được tìm thấy trong mẫu phân của các tình nguyện viên.
Cụ thể, trung bình có khoảng 20 vi hạt nhựa trong mỗi 10 gram phân người. Điều này cho thấy con người đang nuốt phải chúng cùng với thức ăn mỗi ngày.
Các vi hạt nhựa được tìm thấy có kích thước từ 50 đến 500 micromét, phổ biến nhất là loại nhựa polypropylene (PP) và polyethylene terephthalate (PET).
|
Nghiên cứu mang tính bước ngoặt nêu lên câu hỏi ô nhiễm nhựa có ý nghĩa gì với sức khỏe con người. Ảnh:Newatlas. |
8 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu đến từ Anh, Phần Lan, Italy, Hà Lan, Nga và Áo, trong đó không ai ăn chay và 6 người thường ăn hải sản.
Cuốn nhật ký được các tình nguyện viên ghi chép trong một tuần trước khi thực hiện các xét nghiệm phân cho thấy tất cả họ đều có tiếp xúc trực tiếp với nhựa thông qua việc sử dụng màng nylon bọc thực phẩm hay uống từ chai nhựa.
Các chuyên gia tin rằng nhựa trong ruột có thể ức chế hệ thống miễn dịch, làm lây lan các độc tố, virus hoặc vi khuẩn gây hại trong cơ thể.
Tiến sĩ Philipp Schwabi, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Mối liên quan này đặc biệt có ý nghĩa với chúng tôi, và đối với các bệnh nhân bị đường tiêu hóa".
Trong các nghiên cứu trên động vật, nhựa được tìm thấy chủ yếu trong ruột, các hạt vi mô nhỏ nhất có khả năng xâm nhập vào dòng chảy máu, hệ bạch huyết và thậm chí tới gan.
Tiến sĩ Philipp khẳng định hiện chúng ta có bằng chứng đầu tiên về sự xuất hiện vi hạt nhựa bên trong cơ thể người và cần tiến hành nghiên cứu thêm để xác định những tác động cụ thể của chúng đối với sức khỏe.
Theo ước tính, hiện nay, 5% rác thải từ nhựa được thải ra biển. Trong môi trường biển, các loài động vật biển tiêu thụ nhựa và chuyển lên thành chuỗi thức ăn, trong đó một lượng nhựa đáng kể được phát hiện trong cơ thể cá ngừ, tôm hùm và tôm. Ngoài ra, thực phẩm cũng có khả năng bị ô nhiễm nhựa trong quá trình chế biến hoặc đóng gói.
Giáo sư Alistair Boxall, chuyên gia môi trường đến từ Đại học York, Anh, cho biết: "Tôi không ngạc nhiên hay đặc biệt lo lắng bởi những phát hiện này. Vi hạt nhựa từng được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, cá và động vật có vỏ, hay thậm chí có cả trong bia".
Theo Giáo sư Alistair, con người cũng thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, vật liệu đóng gói thực phẩm và chai nhựa. "Do đó, không thể tránh khỏi rằng ít nhất một số trong chúng sẽ đi vào phổi và hệ tiêu hóa của chúng ta," giáo sư Alistair khẳng định.
Những phát hiện này được báo cáo tại UEG Week - hội thảo uy tín và lớn nhất quy tụ các chuyên gia đầu ngành về tiêu hóa ở châu Âu.