Farout cách Mặt trời xa gấp 120 lần Trái đất (khoảng cách trung bình giữa Trái đất và Mặt trời là gần 150 triệu km). Nó xa hơn khoảng 35,4 tỷ km so với Eris - thiên thể xa thứ hai trong hệ. Eris là hành tinh lùn có kích thước tương đương sao Diêm Vương.
"Hiện tất cả những gì chúng tôi biết về 2018 VG18 là khoảng cách so với Mặt trời, đường kính ước tính và màu sắc. Vì quá xa nên nó hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Mặt trời rất chậm, có khả năng mất tới hơn 1.000 năm", ông David Tholen, nhà thiên văn học tại Đại học Hawaii, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Ông Tholen cùng các đồng nghiệp xác định, 2018 VG18 màu hồng nhạt, đường kính khoảng 500 km và có thể có hình cầu giống sao Diêm Vương.
Việc phát hiện 2018 VG18 không phải là tình cờ. Nhóm nhà khoa học từ lâu đã tìm kiếm các vật thể tương tự trong hệ Mặt Trời, trong đó có hành tinh X, hay hành tinh thứ 9. Đây được cho là một siêu Trái đất - hành tinh với khối lượng lớn hơn Trái đất nhưng nhỏ hơn sao Hải Vương. Lực hấp dẫn của hành tinh này nhiều khả năng đã tác động tới các thiên thể ở phía xa của hệ Mặt trời.
Dù chưa rõ nguyên nhân khiến 2018 VG18 bị đẩy ra xa như vậy nhưng việc phát hiện thiên thể này vẫn là sự kiện khoa học đáng chú ý. Phát hiện mới khiến hệ Mặt trời trở nên rộng lớn hơn và vẫn khả năng còn nhiều thiên thể xa xôi như vậy chưa được con người biết tới.
Có thể trong tương lai, con người sẽ gửi tàu thăm dò tới Farout. Hiện tại, tàu thăm dò Horizon đã lên lịch trình quan sát Ultima Thule, một thiên thể khác vào đầu năm sau.
Các tàu thăm dò tương tự với vận tốc 58.500 km/h sẽ mất tầm 35-40 năm để đến được Farout nếu phóng từ Trái đất. Đây rất có thể sẽ là tâm điểm các sứ mệnh vũ trụ trong tương lai của NASA.