Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với sản phẩm nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Những năm gần đây, loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe với đặc điểm nổi bật là nâng cao thể chất và tinh thần, tạo năng lượng tích cực cho du khách, ngày càng có sức hấp dẫn. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh các sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, văn hóa làng nghề, biển đảo, một số địa phương có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch sức khỏe, tạo sự đa dạng, gia tăng giá trị điểm đến.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Với ưu thế vùng sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước, các địa phương có thể gắn du lịch sức khỏe với lợi thế các sản phẩm nông nghiệp là một trong những hướng phát triển được các chuyên gia, nhà quản lý quan tâm, gợi mở.

Phát huy thế mạnh địa phương

Theo Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Mai, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, du lịch chăm sóc sức khỏe nhằm cải thiện và cân bằng tất cả các lĩnh vực chính của đời sống con người bao gồm thể chất, tinh thần, tình cảm, nghề nghiệp, trí tuệ và tâm linh. Động lực chính cho khách du lịch chăm sóc sức khỏe là tham gia vào các hoạt động phòng ngừa, chủ động, nâng cao lối sống như thể dục, ăn uống lành mạnh, thư giãn, chăm sóc và chữa bệnh.

Đề cập về loại hình du lịch này gắn với các sản phẩm nông nghiệp, các đặc sản từ Chương trình OCOP - chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", góp phần phát triển kinh tế nông thôn, bác sỹ Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch sức khỏe trong phát triển du lịch nông thôn sẽ tăng trải nghiệm cho du khách, gắn với phát triển thế mạnh của địa phương, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ phù hợp.

Ví dụ, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe gắn kết với các loại dược liệu, nông sản được trồng ở địa phương, từ đó cung cấp nhiều dịch vụ nâng cao sức khỏe cho cho du khách như bấm huyệt, ngâm chân thảo dược, gội đầu thảo dược… Cũng từ thế mạnh nguồn nông sản, dược liệu địa phương có thể giới thiệu đến du khách những vị thuốc đã sơ chế, những đặc sản ẩm thực. Đồng thời, thông qua hoạt động du lịch sẽ giới thiệu, quảng bá văn hóa địa phương bằng những “câu chuyện” về văn hóa, con người, những đặc sản của vùng miền.

Từ cách hiểu đó, nhiều chuyên gia khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng du lịch trọng điểm của cả nước có rất nhiều tiềm năng để phát triển mạnh các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với trải nghiệm cảnh quan sông nước, miệt vườn, những vùng chuyên canh nông sản nổi tiếng.

Thạc sỹ Dương Trường Phúc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông nghiệp trù phú. Do vậy hoàn hoàn có cơ sở cho việc nhận định tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với sản phẩm nông nghiệp.

Mối quan hệ giữa nông nghiệp và du lịch không chỉ cho ra đời các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực mà một số sản phẩm nông nghiệp còn trở thành tài nguyên phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.

Điển hình, sen là ngành hàng chủ lực được tỉnh Đồng Tháp chọn thực hiện trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mục tiêu là phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích năm 2025 đạt khoảng 1.400 ha, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ các nhu cầu khác nhau như lấy hoa, hạt, ngó sen, lá sen, sản phẩm cao cấp, chiết suất từ sen. Các sản phẩm liên quan đến ngành hàng này rất có triển vọng cho phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, thu hút du khách trong mỗi chuyến trải nghiệm.

Theo Thạc sỹ Dương Trường Phúc, nhìn nhận ở các khía cạnh cảnh quan, môi trường, các vùng trồng sen đẹp, không gian yên tĩnh, trong lành đem lại sự thư giãn cả về thể chất lẫn tinh thần cho du khách, những khu vực trồng sen ở Đồng Tháp, giúp du khách loại bỏ những căng thẳng, mệt mỏi, tái tạo năng lượng tích cực. Bên cạnh đó, hiện nay Đồng Tháp đã có 200 món ăn từ sen được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Tiến sỹ Phạm Văn Luân, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh dẫn chứng Bến Tre với thế mạnh ngành hàng dừa, diện tích trồng khoảng trên 72.000 ha. Ở góc độ phát triển các sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe, du khách đến xứ Dừa được trải nghiệm không gian xanh, thưởng thức nhiều món ăn bổ dưỡng gắn với các sản phẩm từ cây dừa, giúp phục hồi và nâng cao sức khỏe. Không những vậy, du khách còn được giới thiệu nhiều sản phẩm có tác dụng chăm sóc, nâng cao sức khỏe, làm đẹp như dầu dừa tinh khiết, mặt nạ dừa, son môi dừa.

Cần nhiều giải pháp phù hợp

Khác với loại hình du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe thiên về các hoạt động, sản phẩm trải nghiệm giúp du khách giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe, điều dưỡng sau điều trị bệnh. Với những đặc thù đó, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này một cách độc lập, chuyên sâu hoặc kết hợp với các loại hình, sản phẩm du lịch khác.

Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Đỗ Tân Khoa đề xuất, đối với du lịch chăm sóc sức khỏe các địa phương có thể xây dựng một số dòng sản phẩm gắn kết với sản phẩm y dược cổ truyền, các nông sản, dược liệu để phục vụ du khách như: du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền, cung ứng sản phẩm dịch vụ tham quan, mua sắm một số loại thuốc cổ truyền, các nông sản đặc hữu của địa phương; du lịch kết hợp khám phá y dược cổ truyền và văn hóa bản địa, đưa du khách đến trải nghiệm các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe kết hợp thưởng thức ẩm thực được chế biến kết hợp với nguồn dược liệu, nông sản tại địa phương, nghe những câu chuyện về văn hóa, con người, sản vật mang đậm tính bản địa.

Để khai thác hiệu quả các mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần xây dựng hoàn thiện các quy đinh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ cấu nhân lực có thể tham gia cung cấp dịch vụ phù hợp, có danh mục kỹ thuật được áp dụng trong du lịch chăm sóc sức khỏe để làm căn cứ cho nhà đầu tư xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch sức khỏe gắn với đặc sản, nông sản địa phương. Các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp chú trọng xây dựng và lan tỏa những câu chuyện về văn hóa, về nguồn dược liệu, đặc sản ở địa phương…

Theo Thạc sỹ Dương Trường Phúc, trong các chương trình du lịch hiện nay, những sản phẩm du lịch có tính tương tác cao với du khách tại điểm đến ngày càng được chú trọng. Du khách sẽ cảm thấy thú vị và ấn tượng hơn khi có thể thưởng thức những sản phẩm ẩm thực, sử dụng hoặc mang về làm quà tặng những sản phẩm dược liệu mà họ tham gia chế biến, sản xuất.

Vì vậy, để phát triển các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với lợi thế địa phương, cần chú trọng xây dựng, khai thác các hoạt động trải nghiệm, giúp du khách thư giãn, giải tỏa mệt mỏi, căng thẳng, áp lực tâm lý…

Đại diện Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Long An thông tin, phát huy thế mạnh của địa phương, đa dạng các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa, chăm sóc sức khỏe, Long An có điểm đến như Khu du lịch Cánh đồng bất tận ở huyện Mộc Hóa do Công ty Cổ phần nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đầu tư. Đến điểm du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động “tắm rừng dược liệu”, tận hưởng không khí trong lành, tinh khiết của rừng tràm vùng Đồng Tháp Mười, thăm Nhà máy sản xuất dược liệu, tham gia chưng cất tinh dầu tràm.

Mới đây, Trung tâm phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức khảo sát, hoàn thiện tuyến du lịch chú trọng sản phẩm du lịch sức khỏe, du lịch nông thôn, đưa du khách đến thăm quan vườn dược liệu, thưởng thức trà chùm ngây của Công ty “ Vườn nhà mình” ở huyện Tân Trụ - sản phẩm đã được gắn sao OCOP. Dừng chân trong không gian xanh mát của làng quê với “con đường hạnh phúc” có hàng cau vua dài khoảng 2km mang đến cho du khách cảm giác thư giãn, tái tạo nguồn năng lượng tích cực./.

Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.