Theo Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam-Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố vào tháng 5/2022, để phát triển bền vững kinh tế biển, thực hiện nền kinh tế biển xanh tại Việt Nam, các chính sách phát triển kinh tế biển phải đảm bảo cho việc khai thác các tài nguyên biển của thế hệ hôm nay không được làm phương hại đến việc khai thác các tài nguyên biển của các thế hệ mai sau.
Do đó, trong quy hoạch không gian biển quốc gia, cần tính toán một cơ cấu kinh tế biển hợp lý sao cho mang lại những giá trị cao nhất, trong khi vẫn duy trì và gia tăng thêm được diện tích và giá trị của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển; đưa nền kinh tế xanh vào phát triển kinh tế-xã hội rộng lớn hơn cung cấp một nền tảng để tăng cường đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững.
Báo cáo cho rằng không gian phát triển cho mỗi ngành, lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam vẫn còn khá rộng mở và chưa dẫn đến những xung đột lớn giữa các ngành, sự phát triển kinh tế cũng chưa đến mức xung đột lợi ích lớn cần quản trị. Ngưỡng chịu đựng của môi trường với các ngành kinh tế biển và sự cùng phát triển bên cạnh nhau, có cả mâu thuẫn và bổ sung cho nhau giữa các ngành kinh tế biển hiện vẫn còn dư địa khá rộng lớn. Do đó, để thực hiện kinh tế biển xanh, cần xây dựng các cơ chế, quy trình và quy định mạnh mẽ để đảm bảo duy trì chất lượng môi trường bên cạnh tăng trưởng kinh tế biển.
Về trung và dài hạn, để quản lý tốt hơn hệ sinh thái biển và phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn các ngành kinh tế biển, các cơ quan quản lý nhà nước về biển cần xây dựng một chương trình dài hạn với sự nỗ lực liên tục trên một số nội dung gồm: xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo quản lý tốt tài nguyên biển, đồng thời khuyến khích các hoạt động kinh tế biển dựa trên công nghệ thân thiện với môi trường, theo các cam kết quốc tế của Việt Nam; mở mang thêm những lĩnh vực kinh doanh có khả năng đem lại giá trị cao như dược liệu biển, năng lượng biển, đặt biệt là điện gió ngoài khơi...
Tiến sỹ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho biết điện gió là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới trong suốt 15 năm qua. Những lợi ích về mặt kinh tế-xã hội mà điện gió mang lại đang trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành này ở ngày càng nhiều các quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh những lợi ích kinh tế trực tiếp, góp phần tạo việc làm và phát triển ngành công nghiệp, năng lượng gió còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là quốc gia có cơ hội phát triển kỹ thuật điện gió rất lớn, có thể đạt trên 500 GW trong đó trên đất liền là 42 GW và điện gió ngoài khơi là 475 GW ở các vùng biển cách bờ tới 200km.
Tính đến hết năm 2021, trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 4.000 MW được công nhận vận hành thương mại, giúp giảm thiểu hàng triệu tấn carbon phát thải.
Đề xuất định hướng quy hoạch không gian biển ven bờ phát triển năng lượng gió biển, tiến sỹ Dư Văn Toán cho rằng, Việt Nam cần sớm có lộ trình chủ động tích cực giảm nguồn nhiệt điện từ than, dầu và khí, tiến tới không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới; đồng thời, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện gió trên bờ và ngoài biển.
Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa việc trung hòa carbon ngành năng lượng nói riêng và trung hòa carbon nói chung đến 2050, tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió, đặc biệt điện gió ngoài khơi, một giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược cho kinh tế Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Cùng với việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.., các nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam nên khởi động một Chương trình phát triển kinh tế biển xanh, trong đó xác định rõ một số dự án trọng điểm để tập trung thực hiện, định kỳ đánh giá, theo dõi hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện./.