Bạo lực học đường, hay bạo lực trong các cơ sở giáo dục là một thực tế hàng ngày - đã phủ nhận quyền giáo dục cơ bản của hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên. Một ước tính của Plan International cho thấy 246 triệu trẻ em và thanh thiếu niên đã trở thành nạn nhân của bạo lực học đường - trong và xung quanh trường học mỗi năm. Đặc biệt là nữ sinh, cũng như những em "bị cho là không phù hợp với các chuẩn mực tính dục và giới tính hiện hành".
Bạo lực học đường là hành vi hung hãn có chủ đích diễn ra lặp đi lặp lại với nạn nhân, diễn ra trong và xung quanh trường học, gây tổn thương đến học sinh.
Bạo lực học đường là hành vi gây ra bởi những học sinh khác, giáo viên hay nhân viên của trường. Các hình thức bạo lực học đường bao gồm bạo lực thể chất, bạo lực tâm lý, bạo lực tình dục, quấy rối trên không gian mạng...
Một báo cáo năm 2020 của UNESCO cũng tiết lộ rằng hơn 30% học sinh trên thế giới là nạn nhân của bạo lực học đường, với những hậu quả nghiêm trọng về thành tích học tập, dẫn đến tình trạng bỏ học, gây tổn hại sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Nam sinh bị bắt nạt và bạo lực thể chất nói chung nhiều hơn nữ sinh. Nữ sinh thường dễ bị bắt nạt tâm lý hơn, đặc biệt là bắt nạt qua mạng. Theo cùng một dữ liệu, tỷ lệ bắt nạt tình dục ở hai giới là như nhau. Tuy nhiên, dữ liệu đến từ các quốc gia khác nhau cho thấy nữ sinh ngày càng bị bắt nạt tình dục trực tuyến hơn.
Thực trạng tồn tại những không gian sư phạm không an toàn hoặc không ủng hộ sự hòa nhập của tất cả trẻ em đã vi phạm quyền được giáo dục được ghi trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em; đi ngược lại với Công ước chống phân biệt đối xử trong giáo dục, nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử và thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp đảm bảo bình đẳng về cơ hội và đối xử.
Đảm bảo tất cả trẻ em và thanh thiếu niên được tiếp cận với môi trường học tập an toàn, hòa nhập, nâng cao sức khỏe là ưu tiên chiến lược của UNESCO. Các kết quả chính cho công việc của UNESCO trong lĩnh vực này là:
1. Xóa bỏ bạo lực học đường và bắt nạt bao gồm cả bạo lực giới liên quan đến môi trường học đường; và
2. Ngăn ngừa phân biệt đối xử liên quan đến sức khỏe và giới đối với người học và nhà giáo dục.