Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang nắm giữ 70% cổ phần tại cảng quốc tế có tuổi đời 118 năm này.
Theo Giám đốc cảng Tiên Sa, từ năm 2018 trở lại đây lượng hàng container qua cảng tăng đột biến tới 29% nhờ các hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu làm giấy cho các nhà máy giấy ở CHDCND Lào.
Bên cạnh container, cùng với hàng rời đã đưa khối lượng hơn 8 triệu tấn hàng hóa qua Cảng trong năm 2018, bình quân tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Tiên Sa là một trong 5 cảng hoạt động có lãi của Vinalines khi năm 2018 có mức lãi tăng 20% so với năm 2017, lợi nhuận tăng 17% đạt 215 tỷ đồng (chiếm hơn 20% lợi nhuận của Vinalines), góp phần bù đắp cho lĩnh vực vận tải biển của Tổng công ty đang trong cơ cấu lại hoạt động.
Hiện nay có hơn 20 hãng tàu ký hợp đồng với cảng Tiên Sa trong đó hơn một nửa là các hàng tàu nước ngoài.
Bên cạnh hàng hóa, Tiên Sa cũng đón 110 tàu du lịch/năm với khoảng 10.000 khách du lịch quốc tế. Mặc dù thu từ loại hình này chỉ chiếm 5% doanh thu của Tiên Sa nhưng có tác động lớn tới du lịch của Thành phố Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết ngoài Tiên Sa thì Đà Nẵng còn có cảng Liên Chiểu nhưng chuyên gia nước ngoài tư vấn chưa nên đầu tư mở rộng cảng Liên Chiểu do nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá chưa lớn. Do vậy thành phố sẽ tập trung hỗ trợ hoạt động cho cảng Tiên Sa để hoạt động hiệu quả hơn, góp phần tăng nguồn thu cho thành phố.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm cảng Tiên Sa. Ảnh VGP/Thành Chung |
Lãnh đạo cảng Tiên Sa kiến nghị với Chính phủ đầu tư trên 100 tỷ đồng để làm luồng quay cho tàu tải trọng lớn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cảng Tiên Sa báo cáo Bộ GTVT để trình Chính phủ xem xét, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Ngoài ra Phó Thủ tướng đề nghị Vinalines và Tiên Sa đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp logistics, góp phần thúc đẩy chuỗi sản xuất hàng hóa trong nước cũng như của khu vực./.