Tại diễn đàn, ông Võ Quang Huệ tiết lộ phân xưởng hàn thân xe của Vinfast sẽ là nhà máy hiện đại nhất Đông Nam Á, được trang bị 1.200 robot do ABB (Thụy Sỹ) sản xuất.
Theo ông Huệ, phân xưởng hàn thân xe cũng là phân xưởng được áp dụng công nghệ 4.0 nhiều nhất ở Vinfast, có khả năng kết nối robot và con người.
Được biết, 1.200 robot do hãng ABB sản xuất dự kiến được lắp đặt và nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 8.
Cùng với ABB, các đơn vị đã có thỏa thuận với Vinfast cũng sẽ cung cấp dây chuyền sản xuất, thiết bị và máy móc cho 5 phân xưởng của hãng, bao gồm: xưởng dập, xưởng hàn thân xe, xưởng sản xuất động cơ, xưởng sơn và xưởng lắp ráp, hoàn kiện và kiểm tra xe.
Ông Võ Quang Huệ cho biết toàn bộ động cơ của Vinfast được sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất ô tô Đức BMW và sử dụng toàn bộ nền tảng công nghệ của hãng này.
Ông Huệ tiết lộ Vinfast mất 5 tháng đàm phán với BMW để họ đồng ý cho phép sử dụng nền tảng công nghệ. “Đây là điều mà chúng ta có quyền tự hào vì trước đó chúng ta chưa bao giờ sản xuất ô tô”.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup tiết lộ 5 phân xưởng của Vinfast đang trong giai đoạn hoàn thiện phần kiến trúc – xây dựng. Dự kiến trong tháng 10 tới Vinfast sẽ đưa máy móc vào nhà máy, đầu năm 2019 có thể cho ra sản phẩm đầu tiên.
“Tôi cho rằng sẽ rất thú vị nếu những khách hàng đầu tiên của Vinfast đến thăm quan nhà máy của chúng tôi”, ông Võ Quang Huệ bày tỏ.
Nói về nhân tố then chốt trong cách mạng công nghệ 4.0, ông Huệ nhấn mạnh đó là con người.
Chính vì vậy, “Vingroup đã đầu tư hơn 10 triệu USD cho trung tâm đào tạo của Vinfast, đào tạo hoàn toàn theo tiêu chuẩn Đức”, ông Huệ nói.
Khu vực giới thiệu của Vinfast gồm 3 phần. Trong đó, hình ảnh về một nhà máy không có con người được trình chiếu tại một màn hình tương tác. Theo nhân viên phụ trách, nhà máy của Vinfast tại Hải Phòng sẽ được ứng dụng thành tựu công nghiệp 4.0. Các máy móc sẽ được kết nối với nhau qua mạng không dây và người quản lý có thể theo dõi mọi thông tin về tình hình sản xuất, tình trạng hoạt động của thiết bị từ xa.
Cách đây 2 tuần, Vinfast đã công bố mua lại toàn bộ hoạt động của General Motor (GM) Việt Nam. Trước đó ít ngày, doanh nghiệp này đã tổ chức buổi hội thảo tại Đức, thu hút sự tham gia của hơn 300 nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng ô tô trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đã ký kết thỏa thuận với AAPICO (Thái Lan) để thành lập liên doanh sản xuất thân vỏ xe. Đồng thời, đạt được nhiều thỏa thuận với các tên tuổi lớn trong ngành ô tô thế giới như BMW (đối tác chuyển giao license sản xuất Sedan và SUV), GM (đối tác chuyển giao license sản xuất ô tô cỡ nhỏ), Magna Steyr (đối tác tư vấn về công nghệ sản xuất ô tô), AVL (đối tác tư vấn về công nghệ hệ thống truyền động, động cơ và sản xuất động cơ), Bosch Việt Nam, Siemens Việt Nam,…
Hiện tại, việc phát triển công nghiệp ô tô ở Việt Nam đang gặp khó khăn do công nghiệp hỗ trợ còn chưa đồng bộ. Toyota Innova (do Toyota Việt Nam sản xuất) đang là mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất Việt Nam, đạt 37%.
"Vào tháng 9/2019, khi các nhà máy sản xuất động cơ và sản xuất xe ô tô của Vinfast đi vào hoạt động SOP, chúng ta sẽ biết, thấy và cảm nhận đầy đủ về mức độ và tác động của đề án ô tô thương hiệu Việt Nam – Vinfast" – Phó tổng giám đốc Vingroup phụ trách dự án Vinfast, ông Võ Quang Huệ chia sẻ.