Phong trào 'dòng máu tinh khiết' - Hệ lụy của thông tin sai lệch về vaccine ngừa COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, những tin sai, tin giả về dịch bệnh đã gây ra những hệ lụy khôn lường, dẫn đến một phong trào gọi là “dòng máu tinh khiết".
Nhân viên y tế truyền máu cho một bệnh nhân ở trung tâm y tế thành phố Ashkelon, miền Nam Israel ngày 22/2/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế truyền máu cho một bệnh nhân ở trung tâm y tế thành phố Ashkelon, miền Nam Israel ngày 22/2/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo đó, nhiều người hoài nghi vaccine đã ngăn các y, bác sĩ truyền máu trong các ca phẫu thuật, nhiều nhóm trên mạng xã hội Facebook đã kích động bạo lực chống lại bác sĩ và nhiều người tìm kiếm những người hiến máu chưa từng tiêm vaccine.

Phong trào nói trên tập trung vào những câu chuyện chống vaccine, những tuyên bố vô căn cứ cho rằng cơ thể sẽ bị “nhiễm bẩn” nếu nhận máu từ người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Một số người còn ủng hộ lập ngân hàng máu riêng của những người chưa tiêm vaccine, trong khi các bác sĩ ở Bắc Mỹ cho biết những người cần tiếp máu đã yêu cầu được truyền máu từ những người hiến chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Đỉnh điểm là vụ việc xảy ra gần đây khi một cặp vợ chồng người New Zealand tìm cách ngăn các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật tim cứu sống đứa con mới sinh của họ với lý do máu truyền cho bé có thể từ người hiến máu đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Một tòa án đã phải can thiệp để cho phép ca phẫu thuật diễn ra, song vụ việc trở thành trường hợp điển hình về những người hoài nghi vaccine trên khắp thế giới.

Trong các nhóm kín trên mạng xã hội, những người hoài nghi vaccine, tự nhận mình là mang “dòng máu tinh khiết”, đã kích động bạo lực chống lại các bác sĩ tiêm vaccine ngừa COVID-19, cùng với tuyên bố sai sự thật về nhiều ca tử vong ở những người đã tiêm vaccine.

Ông George Della Pietra, một bác sĩ thực hành y học tự nhiên người Thụy Sĩ đã lập ra tổ chức phi lợi nhuận Safe Blood Donation, cho rằng vaccine mRNA ngừa COVID-19 là “mối đe dọa sức khỏe” và tìm cách kết nối những người hiến chưa tiêm vaccine với những người nhận máu. Theo trang web của Safe Blood, tổ chức có trụ sở tại Zurich, đã đề xuất thu gom máu của những người chưa được tiêm vaccine cho các khách hàng thân quen. Tổ chức này cho biết mạng lưới của họ đã “phủ sóng” khắp Tây Âu, Mỹ, Canada, Australia, châu Á và châu Phi. Các thành viên tham gia tổ chức cần đóng mức phí gia nhập ban đầu 50 euro (54 USD) và 20 euro/năm vào những năm tiếp theo.

Giới chuyên gia khẳng định luận điệu của các nhóm hay phong trào bài vaccine đưa ra hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Bà Jessa Merrill thuộc Hội Chữ thập Đỏ Mỹ nêu rõ máu của người hiến đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 là an toàn đối với người nhận máu. Bà lưu ý: “Tương tự các vaccine khác, vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất để tạo ra phản ứng miễn dịch giúp bảo vệ con người không mắc bệnh, nhưng các thành phần vaccine không được tìm thấy trong máu".

Các chuyên gia nhấn mạnh phong trào “máu an toàn” hoàn toàn dựa trên thông tin sai lệch, phản khoa học chống lại vaccine. Tương tự như những thông tin bài vaccine khác, các đối tượng thường đánh vào nỗi sợ hãi của mọi người để trục lợi.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.