Thống kê của Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại TP HCM năm 2015 là 1,45 con. So với kết quả điều tra dân số năm 2013, tỷ lệ sinh này ngày càng giảm. 5 năm trước, tỷ lệ sinh ở TP HCM là 1,48 con cho một bà mẹ.
Theo Bộ Y tế, mức sinh hiện nay còn rất khác biệt giữa các vùng, tỉnh thành. Việt Nam đang ở mức sinh thay thế với tổng tỷ suất sinh 2,1 con. TP HCM là địa phương có mức sinh thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng trung bình và chênh lệch lớn so với các tỉnh phía Bắc. Hầu hết các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc có mức sinh cao nhất từ 2,5 con trên một phụ nữ tuổi sinh đẻ, tỉnh cao nhất là Lai Châu với 3,11 con. Các tỉnh phía Nam tại Đông Nam Bộ tỷ lệ sinh 1,56 con và đồng bằng sông Cửu Long chỉ 1,84 con ở một phụ nữ tuổi sinh sản.
Tình trạng tỷ lệ sinh thấp và ngày càng giảm khiến chính quyền TP HCM lo ngại tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai và già hóa dân số. Thành phố đang đẩy mạnh vận động người dân thực hiện "Mỗi gia đình nên sinh đủ hai con" thay vì "Mỗi gia đình chỉ sinh từ một đến hai con" như trước.
Mới đây Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP HCM khóa IX ngày 4/7dành nhiều thời gian để nói về tình hình dân số tại TP HCM. Bí thư Thành ủy khuyến khích phụ nữ TP HCM nên đẻ 2 con để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong phiên thảo luận các quy định trong dự thảo luật Dân số gần đây để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào năm 2018, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con để duy trì mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước.
Theo đó, Chính phủ quy định số con cụ thể trong từng giai đoạn, giảm sinh ở những tỉnh thành có mức sinh cao, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp. Điều này nhằm duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý, bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020. Việc sinh đủ hai con và đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số vàng và làm chậm lại quá trình già hóa dân số.