Cụ thể, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết chính quyền Washington cũng sẽ xem xét về cách bù đắp cho Nhật Bản trước lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Trung Quốc mà ông cho là một phần trong “cuộc chiến kinh tế” của nước này.
Đại sứ Rahm Emanuel cho biết: “Đây sẽ là một hợp đồng dài hạn giữa lực lượng vũ trang Mỹ với các ngư trường và hợp tác xã ở Nhật Bản”.
“Cách tốt nhất mà chúng tôi đã chứng minh trong mọi trường hợp có thể làm hao mòn sức ép kinh tế của Trung Quốc là viện trợ và hỗ trợ cho quốc gia hoặc ngành mục tiêu”, ông Emanuel nói.
Đơn hàng đầu tiên của quân đội Mỹ chỉ bao gồm một tấn sò điệp, một phần rất nhỏ trong số hơn 100.000 tấn sò điệp mà Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục vào năm ngoái.
Trung Quốc, nước từng là khách hàng lớn nhất của thủy sản Nhật Bản, cho biết lệnh cấm của họ là do lo ngại về an toàn thực phẩm sau khi nhà máy hạt nhân Fukushima xả nước thải phóng xạ ra đại dương.
Cuối tuần qua, chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi tổ chức G7 không áp dụng tiêu chuẩn kép về lệnh cấm thực phẩm Nhật Bản, sau khi các cường quốc công nghiệp G7 kêu gọi Bắc Kinh bãi bỏ các biện pháp hạn chế nhập khẩu.
“Các thành viên G7 làm suy yếu sân chơi bình đẳng và phá vỡ an ninh, ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày Chủ nhật, đồng thời gọi hành động của G7 là “ép buộc kinh tế”.
Đại sứ Emanuel cho biết các đơn hàng dự kiến sẽ tăng lên theo thời gian, cung cấp một lượng lớn hải sản trong các bếp ăn trên tàu và trong các nhà hàng nằm trong căn cứ quân sự. Trước đó, quân đội Mỹ chưa từng mua hải sản địa phương ở Nhật Bản.