Quản lý chất thải rắn sinh hoạt hướng tới phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ. Cùng với đó là sự gia tăng dân số, kéo theo chất thải rắn và rác thải sinh hoạt tăng về khối lượng gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường.
(Ảnh: TTXVN)
(Ảnh: TTXVN)

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện nay, trên cả nước chỉ tính riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 – 70.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm. Trên 70% sản lượng rác được xử lý bằng phương thức chôn lấp, có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh.

Năm 2021, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 47/63 tỉnh, thành phố là khoảng 53.048 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 31.381 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 21.667 tấn/ngày). Các địa phương có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 30% (trong đó Hà Nội phát sinh trên 6.000 tấn/ngày, Thành phố Hồ Chí Minh là 8.900 tấn/ngày). Tổng lượng rác thải phát sinh từ khách du lịch trên cả nước khoảng 157.644 tấn (giảm 80.320 tấn so với năm 2020); trung bình 1,2 kg/ngày đêm/người (tương đương năm 2020).

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ 47/63 tỉnh, thành phố, năm 2021, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 96,28%, vượt chỉ tiêu đề ra cả năm là 89%. Khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 66%.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt hướng tới phát triển bền vững ảnh 1
Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác thải sinh hoạt tại Tân Triều, Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Minh


Hiện nay, trên cả nước có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm 381 lò đốt, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh (khoảng 80%). Trên tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, có đến 70% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Trên cả nước hiện có 117 cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại đạt khoảng 90% (tăng 5% so với năm 2020), vượt chỉ tiêu đề ra cả năm (85%).

Ông Trần Quang Toàn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai cho biết, đơn vị này đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa bản đồ các tuyến thu gom, vận chuyển rác thải; giám sát công tác thu gom, vận chuyển rác thải và công tác phân loại rác tại nguồn; sử dụng phần mềm tin học để thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bằng thiết bị di động thông minh theo một quy trình liền mạch, tích hợp hóa đơn điện tử.

Ông Trần Quang Toàn cho rằng, để các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sớm đi vào cuộc sống, các địa phương cần thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các quy định của Luật Bảo vệ môi trường mới. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể về mức thu, tỷ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước đối với từng loại đô thị; quy định khoản bù trừ đối với trường hợp thất thu; chính sách hỗ trợ đối với những gia đình khó khăn, chính sách, những đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh...; cần quy định rõ chế tài xử lý đối với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn; nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt không đủ, không nộp; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan như UBND các cấp, các cơ quan chức năng liên quan, tổ trưởng dân phố và các đối tượng sử dụng dịch vụ.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt hướng tới phát triển bền vững ảnh 2

Ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (Thừa Thiên - Huế) cho biết, nhiều năm trở lại đây, việc tham mưu điều chỉnh bộ đơn giá chưa được thực hiện gây khó khăn cho đơn vị cung ứng dịch vụ công ích trong việc thương thảo, hợp đồng với cơ quan, tổ chức, khách hàng không sử dụng ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến chế độ chính sách cho người lao động.

Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, đối với thực trạng tính phí thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải tại Việt Nam, mức thu giá vệ sinh môi trường đối với hộ gia đình còn rất thấp. Trong khi đó, công nhân lao động làm việc trong lĩnh vực vệ sinh môi trường đa phần xuất phát là người lao động nghèo, lao động nữ, làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc, chủ yếu làm việc vào ca đêm (kể cả trong điều kiện thời tiết mưa gió). Do đó, các cơ quan quản lý cần tính toán, ban hành lại đơn giá, đảm bảo tính đúng tính đủ các thành phần cấu thành giá như: Nhân công, ca máy, khấu hao... ; sớm ban hành đề án giá dịch vụ vệ sinh môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và lộ trình thực hiện; điều chỉnh lại cấp bậc thợ bình quân tối thiểu là 4/7 để đảm bảo đời sống lao động; xem xét tính toán bổ sung kinh phí thực hiện công tác phân loại rác vào đơn giá duy trì vệ sinh môi trường; khuyến khích thực hiện công tác phân loại và tái chế rác thải tại nguồn. Bên cạnh đó, khi có các thay đổi, biến động lớn về giá nhiên liệu, vật tư... các cơ quan quản lý cần có phương án kịp thời điều chỉnh giá tương tự như giá vật liệu trong công tác xây dựng cơ bản.

Nâng cao nhận thức về xử lý chất thải rắn

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền cho biết, tại Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng xung quanh.

Đối với chủ nguồn thải (phần lớn là từ doanh nghiệp và người dân), Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định thu phí dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc đổ đồng theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Luật đã quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định, chủ nguồn thải không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Ngược lại, đối với chất thải chưa phân loại hoặc những loại chất thải khác không có khả năng tái sử dụng, tái chế thì chủ nguồn thải phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành toàn diện từ ngày 1/1/2022 với nhiều điểm mới mang tính đột phá, trong đó có vấn đề quản lý chất thải, là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả về công tác bảo vệ môi trường, để định hướng các địa phương và doanh nghiệp trong quản lý, đầu tư, xử lý chất thải hướng đến phát triển bền vững.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định trách nhiệm phân loại của hộ gia đình, cá nhân thay vì khuyến khích việc phân loại như trước đây. Thời hạn phải áp dụng quy định này chậm nhất là ngày 1/1/2025. Căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh.

Để quản lý hiệu quả chất thải rắn, hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện, tạo căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải thống nhất theo định hướng mới, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có những quy định chi tiết về quản lý chất thải, trong đó chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy.

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải đảm bảo theo nguyên tắc sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có sự thay đổi căn bản và vượt bậc trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang cho các chủ thể phát sinh tự chi trả. Luật đã thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ nhận định, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Quản lý chất thải hiệu quả tại các doanh nghiệp là cơ sở để hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm thiểu sử dụng nguồn tài nguyên, tái tạo tài nguyên, giảm phát sinh chất thải, gia tăng vòng đời sử dụng sản phẩm bằng tái sử dụng, tân trang và tái chế.

Để thực hiện hiệu quả việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, cần có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp, tăng cường thực thi pháp luật về quản lý chất thải, đồng thời cần có các chính sách cụ thể ưu đãi cho các hoạt động xử lý chất thải để thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ chất thải. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và xử lý chất thải nói riêng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân cần nâng cao nhận thức về việc tăng cường quản lý, xử lý chất thải, tái chế rác thải, hạn chế, giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, sống thân thiện với môi trường và có sáng kiến áp dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt phát thải gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng khí nhà kính./.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.