Cả hệ thống chính trị, nhất là các lực lượng tuyến đầu đang dồn toàn lực, quyết tâm cao nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Trong đó, Quốc hội đã có những quyết sách và hoạt động thiết thực hướng về người dân nhằm sớm đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này.
Đồng hành vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng
Để ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước ta đã và đang huy động các nguồn lực, các lực lượng, trong đó vaccine là liệu pháp hiệu quả. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chủ trương mua vaccine tiêm phòng COVID-19 cho nhân dân. Chính phủ nỗ lực triển khai Chiến lược vaccine phòng COVID-19, vừa thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất trong nước, vừa tìm cách tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới. Bởi chỉ có vaccine mới có thể thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân trước dịch bệnh.
Theo tính toán của Bộ Y tế, để mua 150 triệu liều vaccine tiêm cho người dân thì nhu cầu kinh phí là trên 25.000 tỷ đồng. Ngay từ trung tuần tháng 5/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020, sử dụng 12.100 tỉ đồng để mua vaccine phòng COVID-19.
Trong hơn 1 tháng qua, ở kênh ngoại giao nghị viện, những nội dung liên quan đến vaccine luôn được đề cập tại các cuộc hội đàm, điện đàm trực tuyến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với lãnh đạo Nghị viện/Quốc hội các nước: Campuchia, Australia, Liên bang Nga, Brunei, Trung Quốc, Nhật Bản…
Trong cuộc điện đàm trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga bà Valentina Ivanovna Matvienko vào ngày 8/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Liên bang Nga đã tặng Việt Nam 1.000 liều vaccine Sputnik V từ đầu năm nay và mới đây đã cam kết ưu tiên để Việt Nam tiếp cận 20 triệu liều vaccine Sputnik V; đồng thời mong muốn Liên bang Nga hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam.
Cũng trong tháng 6/2021, trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về cùng nội dung này, Chủ tịch Hạ viện Australia cho biết tiêm chủng ở Australia được triển khai nhanh khi có Chương trình vaccine và quan điểm của Chính phủ Australia là thực hiện nhanh để phục vụ người dân và nền kinh tế. Australia đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 40 triệu AUD để tiếp cận vaccine phòng COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra đề xuất về việc chia sẻ và tiếp cận công bằng nguồn vaccine phòng COVID-19 vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA lần thứ 42 (AIPA-42), dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới tại Brunei Darussalam trong hội đàm trực tuyến với Ngài Pehin Dato Abdul Rahman Taib, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á 2021 (Chủ tịch AIPA 2021). Ủng hộ đề xuất này của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei cũng nêu bật tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước nhằm bảo đảm nguồn cung vaccine công bằng cho mọi quốc gia, mọi người dân.
Trao đổi với trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam vào ngày 21/6 vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Oshima Tadamori khẳng định, Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ chế, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên hợp quốc, các nước G7… để hỗ trợ vaccine cho tất cả các nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân vaccine phòng COVID-19, làm cơ sở để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững...
Ở góc độ hợp tác nghị viện đa phương, tại phiên thảo luận toàn thể Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 142 (IPU-142) bằng hình thức trực tuyến vào tháng 5 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Liên minh Nghị viện thế giới kêu gọi các quốc gia có ưu thế sản xuất vaccine tăng cường hỗ trợ để người dân các nước đang phát triển, các nước đang phải hứng chịu những hệ lụy nặng nề của COVID-19 được tiếp cận công bằng, kịp thời vaccine và trang thiết bị y tế hiện đại với chi phí hợp lý; đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới cùng các nước thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và đào tạo nhằm nâng cao năng lực ứng phó với COVID-19…
Các quốc gia vẫn đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh với mục tiêu ít nhất 70% dân số được tiêm đủ 2 liều. Tính đến đầu tháng 7/2021, Việt Nam đã có gần 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Dự kiến trong tháng 7/2021, sẽ có 8,7 triệu liều vaccine tiếp tục được đưa về Việt Nam... Như vậy, với nguồn cung ứng quốc tế hiện có đang dần hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số ở nước ta.
Cùng với việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ cho việc sản xuất lâu dài, hiện các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước vẫn đang nỗ lực để có thể sớm có vaccine “Made in Vietnam” cho người dân, nhằm chủ động khi nguồn cung đang thiếu hụt nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.
Thiết thực hướng về người dân
Trong chuyến thăm, làm việc mới đây tại các tỉnh Tây Nguyên, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian gặp gỡ, động viên, chia sẻ với những khó khăn của công nhân, người lao động tỉnh Đắk Lắk, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch thứ tư, Bộ Chính trị đã quyết định tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, kể cả khu vực lao động phi chính thức; giao Đảng đoàn Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự Đảng Chính phủ để có thể công bố và triển khai sớm gói hỗ trợ này.
Trao quà và ân cần thăm hỏi đời sống các công nhân lao động, trong đó có nhiều công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tập trung lãnh đạo, đề ra các giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Các cấp ủy đảng, chính quyền, công đoàn, đoàn thể địa phương tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động để công nhân, người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn được động viên kịp thời, tích cực lao động góp phần cùng cả nước thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Vừa qua, chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, một số cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc đẩy nhanh chiến lược vaccine với lộ trình, kế hoạch cụ thể nhằm sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, tạo cơ sở quan trọng để bắt nhịp với nền kinh tế thế giới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục cập nhật việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ thông qua kênh Hội đồng nhân dân các địa phương; đồng thời đề nghị Chính phủ sớm tổng kết đánh giá các gói hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có cả khối đơn vị sự nghiệp, khu vực kinh tế phi chính thức, tổng hợp để báo cáo tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV sắp tới…
Việc tiếp tục quan tâm chăm lo cho người lao động và cả người sử dụng lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây cũng là nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mọi cấp, mọi ngành.
Ngay khi xuất hiện đợt bùng phát thứ tư của đại dịch, trong đó tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bị chịu ảnh hưởng nặng nề, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tất cả các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Văn phòng Quốc hội đã tích cực hưởng ứng, đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Đây là hoạt động có ý nghĩa, thể hiện sự chung tay góp sức phòng, chống dịch, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc ta.
Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, kịp thời phân bổ ngân sách ứng phó với dịch bệnh, ban hành các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước tác động của đại dịch...; cùng với kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, thực hiện “ngoại giao vaccine”. Lãnh đạo Quốc hội cũng đã thể hiện tinh thần đoàn kết với các Nghị viện khu vực và thế giới trong việc đề xuất tiếp cận công bằng, kịp thời vaccine, thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và đào tạo nhằm nâng cao năng lực ứng phó với COVID-19.