Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh dự án Luật này được cử tri, nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm; nhất là trong bối cảnh nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn kéo theo chết người liên tiếp xảy ra trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, xảy ra nhiều vụ cháy dẫn đến chết người ở các thành phố lớn, nhất là thủ đô Hà Nội là điều đáng buồn. Theo đại biểu, những vẫn đề liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy đã được bàn, thảo luận rất nhiều, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Thời gian tới, cần phải có những quy định cụ thể hơn nữa trong công tác phòng cháy, chữa cháy vì đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà cũng là trách nhiệm của toàn dân.
Cho rằng, người dân cũng cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị cần phải xây dựng các chương trình phổ biến, tuyên truyền về việc ứng phó khi hỏa hoạn xảy ra, đầu tiên là trong nhà trường, sau đó là ngoài đời sống nhân dân. Đặc biệt, những nơi có nhiều cơ sở dịch vụ lưu trú, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cần phải có quy định rạch ròi, cụ thể, rõ ràng. Nếu không đáp ứng được những điều kiện trong quy định phòng cháy, chữa cháy sẽ không được phép sản xuất, kinh doanh.
Nói về trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra cháy nổ trên địa bàn, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao tinh thần này và cho rằng cần đưa thêm chi tiết này vào Luật để quy định rõ hơn về trách nhiệm đối với cán bộ quản lý các cấp để việc xử lý công minh và khách quan hơn.
Các vụ cháy gần đây thường xảy ra ở các chung cư mini, các khu nhà trọ bình dân, chưa đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cũng như quy định phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt, mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất rất dễ xảy ra cháy nổ do phải tận dụng không gian tối đa cho mục đích kinh doanh nên sẽ hạn chế không gian dành cho thoát hiểm, thoát khói và bố trí công cụ cứu hộ khác.
Thực tế, ở các đô thị Việt Nam, hầu hết mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn, nhất là kinh doanh các mặt hàng dễ cháy. Điều nguy hiểm là hết ngày làm việc, người thuê sẽ về, chủ nhà không kiểm tra bởi không thuộc quyền quản lý của mình nữa. Khi xảy ra cháy ở tầng 1 (tầng cho thuê kinh doanh), lửa sẽ bốc lên, những người sinh sống ở tầng trên gần như không có chỗ thoát thân.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), để ngăn ngừa những vụ cháy thương tâm xảy ra thì giải pháp cấp bách trước mắt là cần rà soát các mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, yêu cầu trang bị thiết bị, giải pháp phòng cháy, chữa cháy; đồng thời nâng cao ý thức người dân vì đây chính là giải pháp rất quan trọng. Đại biểu khẳng định, dù có bao nhiêu quy định, hạ tầng dù tốt thế nào nhưng người dân không chấp hành thì cháy vẫn xảy ra. Vì vậy cần bắt buộc có tập huấn cho cả chủ nhà lẫn hộ thuê để kinh doanh về phòng cháy, chữa cháy.
Nói về trách nhiệm quản lý, đại biểu Đoàn Hải Dương cho rằng, trong thời gian qua, sau khi xảy ra vụ cháy ở một số chung cư mini, các cơ quan chức năng đã và đang tích cực rà soát các nhà dân, đặc biệt các khu nhà cũ trong ngõ sâu ở khu vực đông dân cư, các mô hình nhà ở kết hợp cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh...
Đại biểu khẳng định, cháy nổ xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là nhà ở không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Nếu chính quyền địa phương không buông lỏng quản lý thì đã không xảy ra cháy nổ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tất cả các tiêu chuẩn để công trình được phép xây dựng là do chính quyền địa phương. Vì thế để những cơ sở chưa đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy hoạt động thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, cùng với việc quy trách nhiệm, phải xử lý rốt ráo, chứ không phải chỉ ra do xây dựng sai phép, do chính quyền địa phương còn buông lỏng, rồi thôi thì không có hiệu quả. "Nếu địa phương không quyết liệt trong khâu quản lý nhà nước và khâu rà soát thẩm định thì chúng ta chỉ cứ tuyên truyền rồi mọi việc lại như cũ", bà Nga nhấn mạnh. /.