Rủi ro từ trái phiếu lãi suất cao
Các lô trái phiếu trên có kỳ hạn từ 2 - 3 năm, với mức lãi suất cố định được IDJ cam kết lên đến 12 - 13%/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện nay từ 10,5% đến 11% của các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực bất động sản.
Theo bản công bố phát hành trái phiếu, đây đều là trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Một bản công bố nhấn mạnh nhà đầu tư mua trái phiếu tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Nhắc tới các yếu tố rủi ro của đợt phát hành trái phiếu, bên cạnh các rủi ro cơ bản về kinh tế, lạm phát hay pháp luật, IDJ cũng công bố các rủi ro đặc thù như danh mục tài sản của Công ty có tính thanh khoản tương đối thấp và khả năng bán một số hoặc toàn bộ tài sản của Công ty trong danh mục một cách kịp thời có thể bị hạn chế.
Hiện tại, chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải có đánh giá tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu. Đây cũng là rào cản cho việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tạo rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân.
Vào trung tuần tháng 11/2019, Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, không mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao. Trường hợp mua, nhà đầu tư cần phải nắm rõ các thông tin gồm: Trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; có tài sản bảo đảm hay không; cam kết của chủ thể phát hành đối với trái phiếu; kỳ hạn và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính và việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.
Quay trở lại với kết quả 5 đợt phát hành trái phiếu của IDJ, Công ty huy động thành công khoảng 86 tỷ đồng trên tổng số 130 tỷ đồng trái phiếu đăng ký phát hành.
Tình hình tài chính không mấy khả quan
Trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu của IDJ đạt 223,7 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 5,1 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối quý III/2019, Công ty ghi nhận lỗ lũy kế khoảng 0,7 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 30/9/2019, Công ty đang gánh khoản nợ phải trả lên tới 718 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 115,3 tỷ đồng hồi đầu năm; trong khi đó, vốn chủ sở hữu chưa bằng một nửa khoản nợ phải trả.
Nguồn tiền huy động được IDJ đầu tư vào các dự án condotel trọng điểm là Apec Mandala Wyndham Mũi Né và Apec Diamond Park Lạng Sơn.
Trong đó, Apec Mandala Wyndham Mũi Né được giới thiệu là một dự án cung cấp 2.772 căn hộ condotel với cam kết lợi nhuận trong 5 năm đầu tiên là 12%/năm. Trong khi đó, Dự án Apec Diamond Park Lạng Sơn dự kiến cung cấp 226 lô shophouse và 700 căn hộ condotel.
Condontel cũng là tâm điểm trong thời gian qua sau khi Dự án Cocobay Đà Nẵng đã phá vỡ cam kết lợi nhuận 12%/năm đối với khách hàng. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8 - 12%/năm là không tưởng.
Vào giữa tháng 12/2019, UBND TP. Lạng Sơn đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam và yêu cầu dừng thi công đối với Dự án Apec Diamond Park Lạng Sơn. Đồng thời yêu cầu Công ty hoàn thiện các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Trước đó, giữa tháng 6/2019, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản gửi đến chủ đầu tư Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né, yêu cầu ngừng tất cả mọi giao dịch liên quan đến Dự án do chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng.
Theo báo Đấu Thầu