Theo thông tin từ Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa (Gia Lai), lâm tặc đã cưa 119 cây gỗ với đường kính từ 18 - 10 cm, tổng khối lượng gỗ hơn 42 m3 các loại và hơn 4,8 ster củi như bằng lăng, lim xẹt, gáo... tại khu vực rừng sản xuất nằm trên địa giới hành chính xã Ia Dreh, H.Krông Pa.
Hiện số gỗ này đã được đưa về trụ sở Hạt kiểm lâm H.Krông Pa để bảo quản, phục vụ công tác điều tra, xử lý. Các cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ, khởi tố vụ án và điều tra các đối tượng đã tham gia vào vụ phá rừng lớn này.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ phá rừng liên tiếp xảy ra tại Tây Nguyên từ đầu năm cho đến nay. Cũng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngày 10/2 (29 tháng Chạp), lực lượng chức năng xã Kon Chiêng và người làng Klah đã phát hiện một nhóm lâm tặc có rất lực lượng "hùng hậu", khoảng 40 người, đi trên 12 chiếc xe công nông cùng 6 cưa máy. Sau khi thực hiện một vụ phá rừng tại khu rừng cộng đồng thuộc làng Klah, xã Kon Chiêng, nhóm này đã bị lực lượng công an bắt quả tang và tạm giữ, chờ xử lý.
Những chiếc xe công nông độ chế của nhóm lâm tặc tại làng Klah, xã Kon Chiêng bị lực lượng chức năng kịp thời bắt giữ. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam) |
Cuối tháng 3 vừa qua, tại xã Ia Tăng, huyện Sa Thầy, (Kon Tum), lâm tặc đã chặt phá, đốt trụi một khoảnh rừng và đốn hạ nhiều cây gỗ có đường kính từ 40 - 80cm.
Những khoảnh rừng bị chặt phá ở H.Sa Thầy, Kon Tum ẢNH: P.H/Thanh Niên |
Đắk Lắk cũng là một tỉnh tại Tây Nguyên đang phải gồng mình chống đỡ sự tấn công của lâm tặc. Sáng 23/2, ông Lê Thanh Khánh – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã phát hiện nhiều lâm phần rừng bị tàn phá không thương tiếc tại địa bàn xã Ea Sol, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện trên 270 cây rừng bị cưa hạ, tổng khối lượng gỗ hơn 20 m3.
Hàng trăm cây rừng bị cưa hạ không thương tiếc tại địa bàn xã Ea Sol, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: VOV) |
Tây Nguyên hiện có gần 2,56 triệu héc-ta rừng, chiếm 17,5% diện tích rừng của cả nước với tỉ lệ che phủ rừng đạt hơn 45,9%. Theo số liệu được công bố vào ngày 9/7/2020 của Ban kinh tế Trung ương , 10 năm qua, tốc độ mất rừng tự nhiên ở Tây nguyên trung bình khoảng 46.267 ha. Tỉ lệ phá rừng cao nhất xảy ra trong rừng tự nhiên, mất rừng trong các khu rừng đặc dụng tương đối thấp (13% tổng số diện tích rừng bị mất ở Tây nguyên) so với rừng sản xuất (87% diện tích rừng bị mất ở Tây nguyên).
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, hơn 70% rừng Tây Nguyên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt; Diện tích rừng giàu và rừng trung bình chỉ còn lại ở các khu rừng đặc dụng và một số ít rừng phòng hộ đầu nguồn.