Theo ông Al-Zoubi, việc mất đi thảm thực vật che phủ, cháy rừng thường xuyên đã góp phần khiến sa mạc hóa lan rộng. Sự suy thoái môi trường này đã làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước trên khắp Syria, ảnh hưởng hầu hết các lưu vực nước của quốc gia này.
Ngoài ra, ông Al-Zoubi cũng chỉ ra tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn đối với môi trường của Syria, đặc biệt là đối với hệ thống thủy lợi, rừng và các khu vực được bảo tồn. Theo ông, xung đột vũ trang đã làm hư hỏng cơ sở hạ tầng thủy lợi, đặc biệt là ở các khu vực như lưu vực sông Euphrates, dẫn đến việc mất thêm thảm thực vật và làm trầm trọng thêm tình trạng sa mạc hóa.
Chính phủ Syria đã ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường. Hiện các cơ quan chức năng của Syria đang tăng cường hợp tác nhằm giải quyết các mối đe dọa do biến đổi khí hậu và hạn hán gây ra.
Ông Al-Zoubi đề xuất một số biện pháp nhằm giảm thiểu những thách thức về môi trường và khí hậu, trong đó có việc thực hiện tốt hơn các biện pháp nông nghiệp, dự trữ nước mưa và cải tiến kỹ thuật nông nghiệp. Giám đốc Quỹ cứu trợ thiên tai và hạn hán Syria Abu Hamoud nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển một kế hoạch linh hoạt để sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có và có thể tự cung, tự cấp, bất chấp những thách thức về khí hậu và các lệnh trừng phạt của quốc tế. Theo ông, chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn càng làm nổi bật tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh lương thực ở Syria.
Ông Abu Hamoud cho biết Bộ Nông nghiệp Syria đang xây dựng một kế hoạch linh hoạt để quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên hạn chế, nhằm giảm thiểu tổn thất và đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững, có thể thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt.