Chiều nay, tôi phát hiện ra mình cần phải vượt hàng dây phía trước, nếu muốn đến được bờ sông như mọi khi. Nhưng tôi không làm vậy. Vì những hàng dây ấy, là của cơ quan chức năng vừa cho giăng, để hạn chế đông người tụ tập bờ sông.
Những hàng nước dọc bờ sông cũng tạm thời ngừng bán, ít nhất là cho hết ngày 15/4. Cách đó không xa, là bến tàu thủy Bình An chỉ có một vài người ngồi nhìn buổi chiều buông xuống thành phố. Tôi nghĩ về một quyết sách mới của UBND TP.Hồ Chí Minh do ông Lê Thanh Liêm phó chủ tịch vừa ký: “Từ nay cho đến hết ngày 3/4, quyết đưa người xin ăn vào cơ sở xã hội để phòng dịch bệnh”.
Như vậy, sau khi tuyên bố sẽ hỗ trợ người bán vé số trong 2 tuần không phát hành vé số, chính quyền TP.Hồ Chí Minh có thêm một nghĩa cử nữa, để những người nghèo khổ không bị bỏ rơi lại phía sau trong dịch bệnh.
Cách tấm đèn led chạy quảng cáo còn hiển thị nôi dung kêu gọi người dân chống dịch. - Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Đang có những cuộc chạy đua ở thành phố này trong giai đoạn vàng chống dịch Covid-19. Đến hôm nay, tại các cửa ngõ ra vào thành phố, lực lượng chức năng đã lập 10 chốt kiểm soát để kiểm tra phương tiện, các loại hình xe hợp đồng đều được yêu cầu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Hôm qua 1/4, thành phố cũng đã cho phong tỏa một tầng ở Mesteri Thảo Điền (quận 2) vì liên quan đến ổ dịch bar Buddha. Theo Bộ Y tế, đã có 15 ca mắc Covid-19 liên quan đến quán bar này. Và hôm nay, kết quả xét nghiệm lần 2 đối với những người từng đi quán bar này, phát hiện có 2 trường hợp có nguy cơ nhiễm cao.
Đó chưa hẳn là tin xấu, nhưng cũng chẳng mấy vui vẻ gì, nhất là trong bối cảnh thành phố và cả nước đang bước sang “giai đoạn mất dấu F0”. Vì thế, câu “cả nước hãy ở yên tại chỗ” càng trở thành mệnh lệnh mà ý thức của mỗi người, chính là nơi phát tín hiệu ấy. Tất nhiên, đó chỉ là nghĩa bóng thôi, mà nôm na nhất, là nếu không thật sự cần thiết, xin hãy hạn chế ra đường.
Một góc chợ ở Saigon thực hiện “cách li xã hội” khi mua thực phẩm. - Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Ban chiều, tôi thấy xe của lực lượng chức năng trên phố nhiều hơn. Họ đang tăng cường tuần tra kiểm soát các trường hợp tụ tập đông người không-cần-thiết. Cũng phải thôi, thà mất 15 ngày như vậy, còn hơn là phải thêm nhiều lần 15 ngày nữa.
Và tôi cũng phát hiện ra rằng, những màn hình led được dựng lên ở các tuyến đường để chạy quảng cáo, rất đều đặn, vài phút là cho hiện nội dung kêu gọi công dân thành phố chống dịch Covid-19. Một tin nhắn từ UBND TP.Hồ Chí Minh gửi đến số máy của tôi, nội dung đại loại là các cửa hàng tiện ích, siêu thị vẫn hoạt động bình thường, cung ứng đủ lương thực thực phẩm.
Tôi gọi hỏi một vài chuỗi siêu thị, cửa hàng và đều được người đại diện xác nhận như vậy. Không những cung ứng đủ, họ còn không thừa lúc dịch bệnh để tăng giá. “Tất cả 23 siêu thị VinMart và hơn 700 cửa hàng VinMart của Vincommerce tại TP.Hồ Chí Minh đều chủ động cung ứng nguồn thực phẩm dồi dào, tươi sạch” - vị đại diện Vincommerce (thuộc Tập đoàn Masan), phản hồi.
Vậy thì, chẳng có lí do gì mà chúng ta phải đổ xô ra đường, rồi chen lấn mua hàng tích trữ cả. Việc đó vừa… vô lí, vừa đi ngược lại chủ trương chung chống dịch, đó là hạn chế ra ngoài khi không cần thiết. Và vì thành phố đang cần những sự chung tay, để đủ mạnh lên và bước qua những ngày dịch bệnh phía trước.