Cuộc “đột kích” chiều 29.5
Chiều 29.5, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) phối hợp với Công an phường Bến Thành (Q1, TP.HCM) bất ngờ kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nghi giả tại các cơ sở kinh doanh trong Khu mua sắm Saigon Square (gọi tắt là Saigon Square, số 77-89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Q1, TP.HCM).
Hoạt động này nằm trong kế hoạch công tác triển khai Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15.5 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17.5 của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, tổ công tác chia làm 6 nhóm cùng đồng loạt kiểm tra. Kết quả, phát hiện hàng trăm hàng hóa là các sản phẩm đồng hồ, quần áo, vali, túi xách, mắt kinh,… mang các thương hiệu nổi tiếng, nhưng các chủ cơ bán hàng đã không cung cấp được giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
![]() |
Đồng hồ và hàng loạt hàng hóa tại Saigon Square nghi là hàng giả, hàng nhái. Ảnh: Dantri |
Do đó, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, niêm phong các sản phẩm để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh nguồn gốc sản phẩm, xử lý theo quy định.
Tại thời điểm tổ công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nhiều ki ốt đóng cửa, ngưng hoạt động, né tránh sự kiểm tra.
Đáng chú ý, ngay khi tổ kiểm tra xuất hiện, hệ thống bộ đàm của đội ngũ bảo vệ tại Saigon Square lập tức được kích hoạt, đồng thời phát thông báo qua loa nội bộ nhằm cảnh báo cho các tiểu thương đóng cửa hàng, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm.
Saigon Square và những lần bị phát hiện bán hàng nhái, hàng giả
Cuộc “đột kích” chiều 29.5 không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng thực hiện công việc kiểm tra hàng giả, hàng nhái tại Saigon Square. Vì trên thực tế, việc này được thực hiện nhiều năm qua, và hầu như, lần nào cũng phát hiện nơi này nghi bán hàng giả, hàng nhái.
Trước cuộc “đột kích” chiều 29.5, là vào đầu tháng 11.2024, cơ quan chức năng khi kiểm tra tại các chợ và trung tâm thương mại lớn, trong đó có Saigon Square, đã phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng.
Trước đó nữa, vào cuối tháng 9.2024, Đội Quản lý thị trường số 4 (thuộc Cục Quản lý thị trường TP.HCM, nay là Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM) đã tiến hành kiểm tra một số điểm kinh doanh tại Saigon Square. Lần đó, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm sản phẩm quần áo, túi xách, trang sức,… không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nên đã niêm phong, tạm giữ để xử lý theo quy định.
![]() |
Bên trong Saigon Square. Ảnh: Internet |
Trong năm 2023, lực lượng chức năng cũng đã có 2 lần kiểm tra tại Saigon Square vào tháng 3 và tháng 9. Kết quả, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Dior, Chanel,…
Các năm trước đó nữa, khi tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng cũng thu được “thành quả” tương tự!
Đáng nói, theo lực lượng chức năng, trong những lần kiểm tra, thường có tình trạng các tiểu thương đóng cửa quầy, nhằm đối phó với cơ quan chức năng để tránh việc bị kiểm tra.
Saigon Square là khu mua sắm thuộc sở hữu của Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phan Thành - Khu mua sắm Saigon Square, do ông Phan Quang Thành làm người đại diện pháp luật. Ông Thành thường được biết đến với cái tên thiếu gia Phan Thành, gắn liền với “đam mê” siêu xe.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thì Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phan Thành - Khu mua sắm Saigon Square có mã số thuế trực thuộc mã số thuế của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phan Thành, do ông Phan Quang Chất làm người đại diện theo pháp luật.
Thiếu gia Phan Thành còn là người đại diện pháp luật của nhiều công ty khác như Công ty TNHH Ocean Palace, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đại Hồng Phát, Công ty CP Nàng Lounge, Công ty TNHH Hoàng Thành F&B, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoàng Thành Sports Center,...
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin!