Theo ông, ùn ứ có đủ nguyên nhân, trong đó có slot - giờ bay. Bức xúc của vị phó giám đốc cũng là vấn đề của slot, như lời ông nói: "Không ai nhìn ra vấn đề để đặt vấn đề với Cục Hàng không về việc cấp slot, hãng bay thực hiện slot ra sao. Chúng tôi khai thác sân bay nhưng không được cấp slot. Vì slot do cục quản lý, để các hãng lên xin. Hãng bay được cấp slot một đằng, thực hiện một nẻo, ông cấp slot cũng chẳng chế tài...".
Phát biểu của lãnh đạo cảng hàng không cho thấy thấp thoáng cơ chế "xin - cho" trong việc cấp slot.
Trong khi đó, slot là tiền, là doanh thu, lợi nhuận của từng hãng bay, đặc biệt là với những đường bay đông đúc như TP.HCM - Hà Nội; trong điều kiện hạ tầng hàng không đã quá tải, hãng nào cũng muốn có nhiều chuyến bay ở đường bay này. Dù việc cấp slot phải tuân theo quy định, qua hội đồng điều phối nhưng thời gian qua cho thấy có hãng bay được cấp nhiều nhưng không dùng hết và ngược lại.
Theo Luật hàng không dân dụng, Bộ GTVT thực hiện điều phối slot theo nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử, thuận lợi và hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vì vậy, cho dù Cục Hàng không có ý kiến thế nào sau trả lời báo chí của lãnh đạo Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, câu chuyên không còn dừng ở cơ quan này mà Bộ GTVT phải vào cuộc để tìm ra giải pháp, đặc biệt cần làm rõ có hay không "để các hãng lên xin" như đã phản ánh.
Kể cả tính tới việc phân cấp trong cấp slot thay vì ôm đồm như hiện nay, hoặc nghiên cứu đấu giá slot hay bốc thăm như một số nước đã làm.
Dư luận râm ran nhiều về nội dung trả lời của ông phó giám đốc Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, "vì slot do Cục Hàng không quản lý, để các hãng lên xin".
Thời buổi đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mà vẫn còn bóng dáng cơ chế "xin - cho", Bộ GTVT sẽ giải thích thế nào với Chính phủ?