Sao chổi có tên gọi là C/2022 E3 (ZTF) được phát hiện lần đầu tiên khi bay qua Sao Mộc hồi tháng 3/2022. Dự báo sao chổi sẽ bay gần Mặt Trời nhất vào ngày 12/1 và bay qua Trái Đất vào ngày 1/2.
Dùng ống nhòm có thể giúp nhìn thấy sao chổi ZTF một cách dễ dàng nhưng cũng có thể quan sát bằng mắt thường nếu bầu trời không quá sáng. Theo Giáo sư vật lý Thomas Prince, Viện Công nghệ California (Mỹ), ánh sáng của sao chổi được nhìn thấy rõ nhất khi nó tiếp cận Trái Đất ở cự ly gần nhất.
Nhà vật lý thiên văn học Nicolas Biver, Đài quan sát thiên văn Paris, cho biết cấu thành từ bụi và băng, giải phóng ra những tia sáng màu xanh lục nhạt, sao chổi ZTF có đường kính ước tính khoảng 1 km.
Đường kính của sao chổi này nhỏ hơn nhiều so với sao chổi NEOWISE, bay qua Trái Đất tháng 3/2020, hay sao chổi Hale-Bopp bay qua Trái Đất từ năm 1997 có đường kính lên tới 60 km. Tuy nhiên, theo nhà vật lý thiên văn học Biver, đường kính nhỏ góp phần giúp ZTF đến gần Trái Đất hơn.
Theo các chuyên gia, sao chổi ZTF sáng nhất khi bay qua Trái Đất vào đầu tháng 2 nhưng nếu đúng thời gian này, trăng quá sáng sẽ khiến việc quan sát sao chổi khó khăn hơn.
Theo Giáo sư Prince, cơ hội khác để quan sát sao chổi bay qua bầu trời là vào ngày 10/2 khi ZTF bay gần tới Sao Hỏa.
Chuyên gia Biver cho biết sao chổi ZTF được tin là đến từ đám mây Oort, một đám mây lớn bao quanh hệ Mặt Trời và là nơi có thể chứa nhiều vật thể băng huyền bí.
Lần gần nhất ZTF bay qua Trái Đất là từ kỷ hậu đồ đá cũ (cách đây 40.000-14.000 năm) và lần tiếp theo ZTF sẽ ghé thăm hệ Mặt Trời là ước tính khoảng 50.000 năm nữa. Không loại trừ khả năng sau "chuyến thăm" này ZTF sẽ biến mất hoàn toàn khỏi hệ Mặt Trời. Theo Giáo sư Prince, "vị khách" đặc biệt quý hiếm này sẽ cung cấp thêm thông tin về những "cư dân" trên hệ Mặt Trời cách xa những hành tinh xa nhất được biết đến hiện nay.