Những đoạn nứt, sụt lún bao quanh nhiều nhà dân và trường học. (Ảnh: P.H) |
Tại huyện Tương Dương, sau cơn bão số 4 và đợt mưa lũ kéo dài, nơi đây cũng chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất. Hàng trăm hộ dân ở các xã Yên Na, Lượng Minh, Xá Lượng, Tam Thái, thị trấn Hòa Bình và nhiều nơi khác bị sạt lở, nhà cửa bị cuốn trôi, giao thông đi lại khó khăn.
Đặc biệt, tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, vết nứt lớn dài hơn 800 m đe dọa hai điểm trường Tiểu học và Mầm non Phà Kháo cùng 6 hộ dân nơi đây.
Có nơi vết nứt rộng đến 50 cm. (Ảnh: P.H) |
Theo chính quyền địa phương, vết nứt xuất hiện sau đợt mưa lũ kéo dài kết hợp thủy điện xả lũ. Lúc đầu, vết nứt nhỏ, sau đó ngày càng to và kéo dài hơn 800 m.
Trước tình hình trên, sau khi khai giảng, nhà trường di dời khẩn cấp học sinh để đảm bảo an toàn. Đồng thời, trường kêu gọi phụ huynh cùng giáo viên lên rừng chặt tre, nứa về dựng dãy phòng tạm bợ tại sân bóng để dạy và học.
Nhà trường phải lấy tre nứa dựng tạm phòng cho học sinh để đảm bảo chương trình của năm học mới. (Ảnh: Zing) |
Hiện nay, học sinh phải học tạm trong những căn phòng bằng tre nứa, rất vất vả khi mưa gió, nhưng cũng không có cách nào khác. Đồng thời, các giáo viên ở nội trú phải xin ở nhờ tại nhà người dân địa phương.
Tại huyện Kỳ Sơn, điểm sạt lở nghiêm trọng nhất thuộc bản Xốp Lau (xã Mường Ải). Hiện nay, khu vực này có 6 hộ gia đình với 24 nhân khẩu đã phải di chuyển đến nơi an toàn.
Sạt lở nghiêm trọng 6 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn. (Ảnh: Dâm Sinh) |
Chính quyền địa phương cùng đồn biên phòng và các lực lượng chức năng khác đã cử lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và giúp người dân di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn.
Đồng thời đóng cọc tre xung quanh các ngôi nhà hạn chế đất đá trôi gây nguy hiểm đến an toàn của người dân xung quanh. Khảo sát, cắm biển cảnh báo ở những nơi nguy hiểm để nhân dân biết và chủ động phòng tránh.
Tổng hợp