Phỏng theo nguyên tác bộ truyện tranh cùng tên của hai tác giả Alan Moore và Dave Gibbons, “Watchmen” đã đào sâu vào vấn đề phân biệt chủng tộc – căn bệnh trầm kha kể từ khi nước Mỹ lập quốc. Bối cảnh phim diễn ra tại thành phố Tulsa (bang Oklahoma), một nơi từng có quá khứ đau thương khi vào năm 1921, cộng đồng người da màu ở đây đã bị người da trắng thảm sát, có thể hình dung rằng Tulsa chính là một nước Mỹ thu nhỏ trong thế giới của "Watchmen".
Bất ngờ hơn nữa, khi chính Tulsa ngoài đời sẽ trở thành địa điểm đầu tiên được Tổng thống Donald Trump dự định tổ chức buổi vận động bầu cử sau khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra. Sự kiện sẽ được tổ chức trùng với ngày lễ Juneteenth (19/6) – ngày lễ tự do của người gốc Phi, trong bối cảnh nước Mỹ đang tràn ngập những cuộc biểu tình của phong trào “Black Lives Matter”.
Khi tập đầu tiên của “Watchmen” được công chiếu trên HBO vào tháng 10 năm ngoái, nhiều khán giả Mỹ và quốc tế đã rất tò mò và phải tìm kiếm các thông tin về vụ thảm sát Tulsa. Như tờ New York Times đã giải thích, do có quá nhiều yếu tố bạo lực và chủng tộc nên sự kiện này rất ít được đề cập tới trong sách giáo khoa, cũng như trở thành chủ đề "nhạy cảm buộc phải che đậy" của chính phủ Mỹ.
Tổ chức Seventh Kavalry trong phim với tư tưởng phân biệt chủng tộc và da trắng thượng đẳng khiến khán giả liên tưởng tới tổ chức Ku Kluk Klan ngoài đời. |
Nhà sản xuất Damon Lindelof – từng đảm nhận các series nổi tiếng khác như "Mất tích" hay "The Leftovers", thừa nhận ông chỉ biết về vụ thảm sát Tulsa từ bài viết của nhà báo Ta-Nehisi Coates.
"Tôi rất say sưa đọc về lịch sử nước Mỹ và khi biết về sự kiện tại Tulsa, tôi chợt nghĩ: ‘Làm thế nào điều này lại không được biết tới?’ Tôi cảm thấy xấu hổ và tội lỗi về việc này. Thay vì chỉ tự gặm nhấm những cảm xúc đó, tôi đã đưa nói vào ‘Watchmen’’’, ông Lindelof phát biểu trên tờ LA Times.
Lindelof tập hợp một đội ngũ biên kịch đa dạng chủng tộc để có được những góc nhìn khách quan nhất, nhưng nhà sản xuất này cũng rất lo lắng về những phản ứng đầu tiên của khán giả đối với vấn đề chủng tộc mà bộ phim đề cập.
Cảnh sát trong thế giới của "Watchmen" phải đeo mặt nạ do lo sợ bị trả thù. |
“Watchmen” mang tính thời sự nóng hổi bởi ngoài vấn đề chủng tộc, bộ phim còn đề cập tới mối quan hệ giữa cảnh sát và người dân. Trong thế giới “Watchmen”, cảnh sát buộc phải đeo mặt nạ che kín mặt để tránh bị nhận dạng và trả thù, họ buộc phải hợp tác với những người hùng để trấn áp tội phạm. Mỗi nhân vật trong “Watchmen” đều có hậu chấn tâm lú do những sự kiện thảm họa tương tự vụ thảm sát Tulsa và phải đương đầu với chính quá khứ của minnfh.
Theo ban tổ chức giải thưởng Peabody, series phim của HBO đã "một phản ánh thẳng thắn và đầy khiêu khích về vấn nạn bạo lực phân biệt chủng tộc đương đại, về vai trò của cảnh sát và về hậu quả về một thảm họa quy mô lớn đối với tâm lý của người dân”.