Ngày 13/4, Bộ GTVT tổ chức hội nghị sơ kết thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Tại đây, đại diện Sở GTVT Hà Nội, T.PHCM và Khánh Hoà đề nghị tạm dừng, không để phát sinh thêm số lượng xe Uber và Grab vì khó khăn trong quản lý, gây sức ép lên hạ tầng giao thông.
Giá rẻ, tiện dụng, không nên cấm đoán
Một nguyên nhân khác - sự yếu thế trong cạnh tranh được các doanh nghiệp taxi truyền thống không ngần ngại bộc lộ.
Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Vinasun (hãng taxi lớn tại TP.HCM) cho biết: Uber và Grab gây khủng hoảng cho taxi, số lượng và đời sống lái xe taxi giảm hẳn. Ba tháng đầu năm 2017, TP.HCM có 5.000 lái xe taxi bỏ việc, thu nhập 8 - 9 triệu đồng nay chỉ còn 4 - 5 triệu đồng.
“Cứ mỗi đợt khuyến mãi, họ (Uber và Grab) có rất nhiều chương trình “0 đồng”, lợi ích trước mắt của họ gây ra khó khăn rất nhiều cho các doanh nghiệp taxi” - ông Quý nói.
Lý do để phủ nhận Uber và Grab gay gắt nhất lâu nay là nghi vấn trốn thuế đã không được nhiều người gay gắt đề cập khi Bộ Tài chính mới đây đã công bố các biện pháp tính thuế và đã thu thuế được trên thực tế đối với các dịch vụ này.
Ông Lê Đại Hải, Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư pháp), cho rằngUber, Grab có rất nhiều tiện lợi như giá rẻ, tiện lợi, được xã hội thừa nhận nên cần khuyến khích.
“Cơ quan nhà nước tìm cách cấm cũng không được, vấn đề là tìm cách quản lý hiệu quả để đảm bảo sự bình đẳng, không thất thu thuế, quyền lợi khách hàng...” - ông Hải đề nghị.
Ông Hải chỉ ra nhiều ý kiến phản đối Uber và Grab vì dịch vụ này huy động xe cá nhân vào kinh doanh vận tải là chưa xác đáng. “Các doanh nghiệp taxi vẫn sử dụng hình thức góp xe và ông chủ chỉ là người đại diện pháp luật, vì vậy câu chuyện của chúng ta nếu lấy mô hình của một taxi truyền thống mà nói ông Grab, Uber phải có sở hữu xe thì không đúng nữa” - ông Hải nói.
Đại diện cho các doanh nghiệp vận tải, trong đó có cả taxi truyền thống, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, thừa nhận: “Rõ ràng ứng dụng công nghệ của họ đang được xã hội và người dân ủng hộ, các doanh nghiệp taxi đang đi chậm và phải gánh chịu thiệt hại, nên chúng ta phải cải thiện vấn đề này”.
Cách nào chứng minh Uber và Grab gây tắc đường?
Dù nhiều lý do để hạn chế hoạt động của Uber và Grab đã bị phủ nhận. Tuy nhiên, các tranh luận về dịch vụ này có gây tắc đường hay không vẫn chưa ngã ngũ.
Theo thống kê của TP.HCM, hiện thành phố có trên 11.000 taxi, trong khi chỉ một năm qua, xe hợp đồng dưới 9 chỗ (loại xe thường được sử dụng để chạy Uber và Grab) đã tăng 22.000 xe, gây áp lực lên hạ tầng, tăng ùn tắc giao thông.
“Chúng tôi xin dừng cung cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô và phù hiệu đối với ôtô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” - ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT TPHCM) nói.
Ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở GTVT, cho rằng dù Uber và Grab không chịu công bố số xe tham gia dịch vụ nhưng có thể đánh giá số xe “tăng chóng mặt” và đề nghị cần dừng việc tăng thêm xe.
Phản biện nhận định này, đại diện của Grab cho rằng 80% thời gian di chuyển trên đường của xe Grab có khách nên không để gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, Grab đang cung cấp ứng dụng đi chung một chuyến xe để giúp hành khách giảm tiền và giảm lượng xe lưu hành trên đường phố.
Trước tình trạng này, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị các tỉnh phải có đánh giá tổng thể, thống kê hoạt động của Uber, Grab để Bộ GTVT có cơ sở để xem xét tạm dừng.
“Đề nghị các địa phương được thí điểm lập quy hoạch xe trên địa bàn, báo cáo Bộ GTVT xem xét nhằm đảm bảo lượng xe hợp lý cho người dân. Như hiện nay theo báo cáo của các sở thì lượng xe hợp đồng quá lớn” - Thứ trưởng Trường nói.
Lâu nay, Uber và Grab cho rằng ưu việt của dịch vụ là thu nạp các xe cá nhân nhàn rỗi sẵn có vào dịch vụ vận tải, đồng nghĩa với số lượng xe thực tế của một khu vực không tăng lên.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, có nhiều cá nhân bỏ tiền mua xe mới để chạy Uber và Grab, không ít lái xe taxi bỏ nghề mua xe gia nhập đội ngũ “taxi công nghệ” này. Thậm chí, nhiều cá nhân lập doanh nghiệp để đầu tư cả dàn xe, thuê người hoạt động dịch vụ Uber và Grab. Chưa kể, cả Uber và Grab đều áp dụng niên hạn đối xe tham gia dịch vụ (như Uber hiện áp dụng xe có thời hạn sử dụng không quá 6 năm) nên thúc đẩy các chủ xe mua thêm xe mới.
Đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng để đánh giá chính xác Uber và Grab có “tăng chóng mặt”, gây tắc đường hay không cần lượng hoá, đánh giá số lượng xe mua mới chỉ để phục vụ hoàn toàn cho Uber và Grab.
“Nếu số lượng xe mua mới chỉ để chạy Uber và Grab quá lớn, không chỉ gây tắc đường mà thiệt cho cả chủ xe. Xe nhiều, ít khách dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội” - vị này nói.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, phản ánh, hiện taxi truyền thống bị cấm trên nhiều tuyến đường, trong giờ cao điểm để tránh ùn tắc. Tuy nhiên, Uber và Grab không có tem, mào nên không bị cấm. Điều này tạo nên ùn tắc, bất bình đẳng trong kinh doanh. Ông Bình đề nghị gắn logo cho Uber và Grab và cấm các xe này di chuyển vào các cung đường đông đúc như taxi.