“Bộ sưu tập” của siêu kình ngư teo chân
Nhiều năm nay, Võ Thanh Tùng đã trở thành một ngôi sao, một mẫu hình đặc biệt. Chàng trai sinh năm 1986 bị teo chân từ khi mới lên hai, nổi tiếng ở chuyện học hành với tấm bằng cử nhân Đại học Công nghệ thông tin, ở công việc sửa chữa điện thoại với mức lương cao, hay mối tình duyên đẹp như mơ.
Vượt lên tất cả, anh chính là một “ông vua” trên đường bơi xanh, với tài năng, niềm đam mê, sự bền bỉ phi thường cùng bộ sưu tập thành tích độc nhất vô nhị: trên 200 huy chương các loại.
Năm 2009, Thanh Tùng lần đầu vinh dự khoác áo ĐTQG thi đấu ở giải Đông Nam Á. Tùng ghi dấu ấn với 2 kỷ lục mới ở cự ly bơi tự do 50 m và 100 m. Thế nhưng giải đấu khiến Tùng thực sự nổi danh phải là Asian Para Games 1 ở Trung Quốc năm 2010. Thanh Tùng thi đấu xuất thần để giành tấm HCV đầu tiên cho TTVN ở đấu trường châu Á.
Nếu như thành tích tại kỳ Đại hội đầu tiên còn bất ngờ thì sang đến Asian Para Games 2014 trên đất Hàn Quốc, Thanh Tùng đã thực sự khẳng định được tên tuổi của mình. Vượt qua hàng nghìn VĐV hàng đầu của châu lục, Võ Thanh Tùng được bầu chọn là VĐV khuyết tật xuất sắc nhất Đại hội năm 2014 khi ẵm trọn 5 HCV ở cả 5 nội dung dự tranh gồm 50 m tự do, 100m tự do, 200 m tự do, 50 m ngửa và 50 m bướm hạng thương tật S5.
Càng đáng nể hơn bởi Thanh Tùng còn sớm vươn tới tầm thế giới. Tại giải VĐTG 2015, với thành tích 34”88, Thanh Tùng đã mang về cho TTVN tấm HCĐ ở nội dung 50 m tự do hạng thương tật S5. Kết quả ở giải thế giới thực sự là một cú hích cho Thanh Tùng, giúp kình ngư quê An Giang vững tin hơn về mục tiêu giành huy chương tại Paralympic. Để rồi, tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật tại Rio, Thanh Tùng đã viết tiếp một trang mới cho bơi khuyết tật Việt Nam khi giành tấm HCB nội dung 50 m tự do hạng thương tật S5. Nếu xuất phát tốt hơn, chàng trai đất An Giang đã có thể “lấy” được Vàng.
Thế nên, chiến tích 3 HCV mà Tùng vừa chinh phục được ở Asian Para Games do Indonesia đăng cai, không phải là một kết quả bất ngờ, đã được dự báo trước. Thậm chí, bản thân anh vẫn không hài lòng vì chưa phá được cột mốc 5 HCV của chính mình cách đây 4 năm.
Vươn lên nhờ những chiếc điện thoại hỏng
Không phải đến tận bây giờ mà kình ngư Võ Thanh Tùng đã được coi là tuyển thủ người khuyết tật xuất sắc nhất Việt Nam từ nhiều năm trở lại đây. Nếu như ở Hàn Quốc hay Thái Lan, những nơi thể thao khuyết tật đã chuyên nghiệp hóa, chắc hẳn một VĐV đẳng cấp như tay bơi 33 tuổi này không giàu to thì cũng có một cuộc sống dư dả. Chỉ có điều, ở Việt Nam, cái nghề chính từng nuôi sống anh cùng nghiệp thể thao trong một thời gian dài lại là việc sửa chữa điện thoại di động.
Kình ngư bị teo hai chân từ nhỏ này là một cử nhân và kỹ sư “xịn” từng tốt nghiệp loại khá chuyên ngành điện tử viễn thông Đại học Công nghệ thông tin. Mất tới gần 20 năm, qua nhiều lần dang dở mới hoàn thành chương trình phổ thông, rồi có được tấm bằng đại học, song Tùng cầm hồ sơ xin việc đến đâu cũng bị từ chối, thậm chí muốn thử việc để khẳng định mình cũng không được chấp nhận.
Cực chẳng đã, anh đành phải xin làm thợ sửa chữa thuê cho các cửa hàng điện thoại di động tư nhân với mức lương vỏn vẹn chỉ có 2 triệu đồng. Mất 2 năm làm thuê, sau đó nhờ có được một khoản tích lũy mấy chục triệu đồng tiền thưởng thành tích, Tùng đã liều thuê địa điểm, mở một cửa hàng nhỏ của riêng mình. Rất may, nhờ tay nghề cao và luôn chu đáo nên cửa hàng của nhà vô địch khá đông khách, mỗi tháng cũng có thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng. Mới đây, nhờ danh tiếng nên Tùng cũng xin được đi dạy thêm bơi cho trẻ em mỗi tuần vài buổi tối, có thêm 2 triệu nữa.
Thanh Tùng chính là những trường hợp điển hình cho cuộc sống, việc tập luyện thi đấu của hàng nghìn VĐV khuyết tật Việt Nam.
Để có thể duy trì việc tập luyện, chứ chưa nói đến chuyện nâng cao trình độ, có thành tích các giải đấu, với họ, là cả một cuộc “chiến đấu” từng ngày, trước hết là với những nhọc nhằn mưu sinh thiết thân và nỗi đau của thân thể.
Và phần nào đó, ngoài tài năng cùng nghị lực phi thường, Thanh Tùng đã may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác.
Võ Thanh Tùng (quê ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Năm lên 2 tuổi Tùng bị cơn sốt kéo dài khiến đôi chân của Tùng cứ thế ngày teo tóp dần... Nỗi bất hạnh lớn không khiến cậu bé vùng sông nước miền Tây gục ngã. Tùng bắt đầu tập đi, dù là khó khăn nhưng không bỏ cuộc. Sau 6 năm với những bước đi thấm đầy mồ hôi, nước mắt, Tùng đã đi lại được bằng chính đôi chân của mình.
Không chỉ cố gắng tập luyện để vượt qua số phận, Tùng còn phụ giúp bố mẹ nhiều việc nhà, biết đi cắm câu, hái bông súng về lo bữa cơm gia đình, và biết bơi, bơi giỏi. Năm 2004 thấy Tùng bơi giỏi, người chú ruột đã giới thiệu về thành phố Cần Thơ sinh hoạt cùng những người khuyết tật. Năng khiếu bơi lội của Tùng đã phát triển vượt bậc từ đó. Cơ hội đến với Tùng và mở ra trang đời mới, đó là vào năm 2005, Tùng được mời tham gia thi đấu cho đội thể thao người khuyết tật TP Cần Thơ.