Kể từ ca ghép tạng thành công đầu tiên vào năm 1954, đến nay Mỹ đã ghi nhận trường hợp ghép tạng thành công thứ 1 triệu. Tuy nhiên, nhiều chiến dịch mới vẫn mở ra nhằm khuyến khích có thêm nhiều người đăng ký hiến tạng hơn để tăng tốc độ cấy ghép. Thống kê cho thấy số ca được phẫu thuật đã tăng mạnh rõ rệt trong thời gian qua, chỉ tính riêng năm ngoái đã có 41.356 người được hiến tạng.
Trong phiên điều trần tại một ủy ban của Thượng viện Mỹ hồi tháng 8 vừa qua, nhiều nhà lập pháp đã chỉ trích Mạng lưới chia sẻ các cơ quan nội tạng (UNOS) đã ban hành quá nhiều quy định phức tạp về hiến tạng, cũng như cáo buộc tổ chức này yếu kém trong công tác giám sát.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren thuộc đảng Dân chủ cùng nhiều thượng nghị sĩ Mỹ khác đã đề nghị thay đổi giám đốc điều hành UNOS. Trong khi đó, Viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học quốc gia Mỹ đã đặt ra thời hạn 5 năm để cải thiện hệ thống cấy ghép nội tạng, bao gồm việc thu thập và bảo quản nội tạng từ những người hiến tặng đã qua đời.
Theo UNOS, tại Mỹ hiện có hơn 400.000 người đang sống nhờ vào nội tạng được cấy ghép và mỗi năm có trên 105.000 người nằm trong danh sách chờ đợi ghép tạng.
Cuộc điều tra của Ủy ban Tài chính thuộc Thượng viện Mỹ cho thấy trong giai đoạn từ năm 2008-2015 đã có 249 người được ghép tạng xuất hiện các triệu chứng khác nhau, trong đó 70 người đã tử vong.
Nhiều chuyên gia đã đưa ra giải pháp cho vấn đề thiếu hụt nội tạng cây ghép, bao gồm việc gia tăng hoạt động tiếp nhận nội tạng và bảo quản tốt hơn. Năm 2021, số ca ghép thận ở Mỹ đã tăng 16% và điều này được cho là nhờ có quy định mới của UNOS, bao gồm cả loại bỏ các quy định quá khe khắt về việc nhận nội tạng hiến tặng. Một trong những thay đổi gần đây là quả thận hiến tặng sẽ được chuyển đến cho những bệnh nhân nặng nhất thay vì bệnh viện gần nhất.