Sớm thực hiện cải cách tiền lương để giữ chân người lao động, tránh tình trạng bỏ việc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bên hành lang Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Trước tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đặc biệt là trong ngành y tế và giáo dục, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể.
Sớm thực hiện cải cách tiền lương để giữ chân người lao động, tránh tình trạng bỏ việc

Thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, cả nước đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc; trong đó ngành giáo dục và y tế có số người nghỉ việc lớn nhất. Đây là thực trạng hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân bởi rất khó tìm được người thay thế vì đây là những ngành có đặc thù riêng, ảnh hưởng đến học sinh và đến người bệnh.

Chỉ ra nguyên nhân việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) cho rằng, chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn. Nhiều cán bộ y tế phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Còn đối với viên chức ngành giáo dục, đã phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến, dẫn đến áp lực công việc quá lớn.

Trong khi đó, sự quan tâm đối với 2 lực lượng này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra.

Còn ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng, vấn đề nào cũng có nguyên do mà xuất phát từ những khó khăn trong cuộc sống, nhất là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, giống như “giọt nước tràn ly”.

Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận định, đối với những người làm công tác trong ngành giáo dục hay y tế, mục tiêu đầu tiên không phải là kiếm tiền, mà với lòng yêu nghề. Họ luôn mong muốn đóng góp cho xã hội để lo cho người bệnh và học trò. Tuy nhiên, công bằng đánh giá có thể thấy, chế độ đãi ngộ cho cán bộ của ngành y tế và giáo dục chưa xứng đáng.

Là người công tác trong ngành y tế nhiều năm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ: “Mỗi tháng ký bảng lương cho nhân viên, tôi thấy rất đau lòng, cán bộ mới ra trường chỉ nhận trên dưới 3 triệu đồng, các bạn trẻ sống kiểu gì?”.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết, học để trở thành bác sỹ mất 6 năm, nhưng cũng chỉ mới nhận được bằng tốt nghiệp đại học, còn muốn hành nghề trong bệnh viện phải trải qua rất nhiều bậc học, khóa học như nội trú chuyên khoa và trài qua thời gian thực tập mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng bảng lương cho nhân viên y tế không khác so với công chức, viên chức khối hành chính. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, ai cũng có gia đình, nhiều việc cần lo toan, nhưng với mức lương như vậy làm sao có thể nuôi sống được bản thân.

Đợt dịch COVID-19 vừa qua càng làm cho đời sống cán bộ ngành y thêm khó khăn, đặc biệt đối với các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính. Trong khi đó, môi trường để cán bộ ngành y làm việc không đủ, máy móc, trang thiết bị thiếu thốn, khiến những kiến thức đã được đào tạo để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân không được sử dụng, cũng tạo thêm áp lực cho cán bộ trong ngành. Trong khi đó, nhiều cán bộ ngành y có tay nghề, có kinh nghiệm được cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng mời về hợp tác với mức lương cao hơn và môi trường phát triển nghề nghiệp tốt hơn.

Có ý kiến cho rằng nếu cán bộ y tế nghỉ việc ở cơ sở công lập để làm việc tại cơ sở y tế tư nhân cũng là phục vụ cho xã hội, tuy nhiên theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, việc cán bộ y tế nghỉ việc sẽ thiệt thòi cho đại đa số những người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người nghèo, người yếu. Đại biểu lo ngại, nếu chúng ta không khẩn trương, không có giải pháp quyết liệt hệ thống y tế có khả năng sụp đổ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, chúng ta cũng cần thông cảm, chia sẻ trong điều kiện nguồn thu ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng trong thời điểm chưa tiến hành cải cách tiền lương, thì cần ưu tiên tăng lương những người có mức lương quá thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống, nhất là trong ngành giáo dục và y tế để giữ chân người lao động.

Để giải quyết thực trạng này, ông Nguyễn Huy Thái, ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản và cùng với những giải pháp căn cơ khác để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư.

“Khi thị trường kinh tế lao động phát triển thì giữa khu vực công và khu vực tư sẽ có sự liên thông, tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Vậy nhưng chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì đồng thời phải cạnh tranh, phải giữ chân những người tài, những người có năng lực, những người thực sự có tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp. Lương đủ sống, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả và cử tri đang rất trông chờ điều đó sớm được thực hiện thông qua cải cách tiền lương”, đại biểu Nguyễn Huy Thái nêu ý kiến.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).