* Liên tục ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh phải sử dụng nhiều biện pháp hồi sức chuyên sâu để điều trị cho một bé gái 7 tuổi, tại tỉnh Cà Mau bị sốt xuất huyết nặng. Trước đó, bệnh nhi sốt 4 ngày liên tục, được điều trị tại Trung tâm y tế huyện, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Đáng chú ý, bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia và đã từng mắc sốt xuất huyết Dengue vào năm 2018. Sau khi nhập viện, các bác sĩ ghi nhận men gan của bệnh nhi tăng cao hơn 10 lần so với bình thường. Bệnh nhi dần rơi vào tình trạng hôn mê, vàng da, gan to kèm men gan tiếp tục tăng cao hơn 100 lần so với bình thường. Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, chống phù não, điều trị suy gan cấp nặng lọc máu liên tục, truyền máu và chế phẩm máu để ổn định chức năng đông máu tránh xuất huyết nặng. Dù được điều trị tích cực nhưng bé vẫn hôn mê sâu, mức độ tổn thương gan diễn tiến xấu gây suy gan nặng và rối loạn đông máu. Các bác sĩ đã hội chẩn quyết định thay huyết tương thể tích lớn kết hợp với lọc máu liên tục cho bé để thay thế chức năng gan và ổn định chức năng đông máu. Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi tiến triển dần và hồi phục sức khỏe.
Do người nhà chủ quan, nhầm lẫn với bệnh lý khác, bé L.A.S. (12 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) trước khi nhập viện có biểu hiện sốt cao liên tục, ói tiêu chảy phân đen 4 đến 5 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, thay vì đưa trẻ đến bệnh viện, người nhà nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên tự mua thuốc uống. Sau khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, gia đình mới đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xác định, bệnh nhi sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ 4, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết nặng do nhập viện muộn. Các bác sĩ đã truyền dịch cao phân tử chống sốc, phối hợp nhiều giải pháp điều trị tích cực và hỗ trợ hô hấp bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục, điều chỉnh rối loạn đông máu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực -Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết, trong đó có nhiều trường hợp nặng. Bệnh nhi không chỉ nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch mà còn có tình trạng suy đa tạng, nhất là suy gan cấp nặng gây hôn mê gan, xuất huyết nặng có thể dẫn đến tử vong.
Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng mắc sốt xuất huyết nặng được ghi nhận trong thời gian qua. Bệnh viện Quân y 175 vừa phải can thiệp ECMO (kỹ thuật hiện đại nhất trong hồi sức cấp cứu hiện nay) để cứu sống một bệnh nhân sốt xuất huyết. Anh T.Đ.P (sinh năm 1986, trú tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) được đưa đến Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng sốc, tổn thương đa cơ quan. Các bác sĩ đã phải tiến hành đặt ECMO vừa thay máu, lọc máu liên tục cho người bệnh. Bệnh nhân được lọc máu liên tục 12 lần, thay huyết tương cấp cứu tới 14 lần với tổng thể tích huyết tương thay thế là 56 lít, tương đương 280 đơn vị máu tươi; đồng thời phải mất đến 47 ngày chăm sóc, điều trị tích cực mới có thể thoát khỏi "cửa tử” do sốt xuất huyết gây ra.
Theo các bác sĩ, thông thường một người có thể mắc sốt xuất huyết đến 4 lần do có 4 chủng virus Dengue. Khi mắc một chủng virus Dengue thì cơ thể sẽ tạo miễn dịch với chủng này nhưng vẫn có nguy cơ mắc các chủng khác ở lần sau; lần mắc thứ 2 thường sẽ nặng hơn lần một. Do đó, người dân không nên chủ quan.
* Nguy cơ dịch bùng phát theo chu kỳ
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), 5 tháng đầu năm, Thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương tăng 7.039 ca mắc); trong đó, số ca mắc nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca). Phân tích số liệu cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đều có số ca mắc tăng cao. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cũng ghi nhận 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, bệnh sốt xuất huyết hiện đang gia tăng không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Các quốc gia khác trên thế giới cũng đang cảnh báo về bệnh này. Từ nay đến cuối năm có thể xảy ra dịch lớn về sốt xuất huyết nếu không có giải pháp ngăn chặn.
Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhận định, thông thường chu kỳ của một đợt dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh là từ 3-4 năm. Lần gần đây nhất, sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Việt Nam là năm 2019 với khoảng hơn 300.000 ca bệnh; riêng Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 65.000 ca. Do đó, có khả năng năm 2022 có thể sẽ bắt đầu một đợt dịch sốt xuất huyết mới. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh lý giải, từ 2019 đến 2022 là hơn 3 năm cùng với đó là sự lơ là của người dân và các cấp chính quyền trong 2 năm chống dịch COVID-19 đã khiến số ca mắc bệnh tăng vọt, bệnh nhân tử vong cũng tăng nhiều.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong thời gian qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các địa phương có số ca mắc cao như: huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn… Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận, vẫn còn sự chủ quan của người dân và sự vào cuộc chưa quyết liệt của địa phương trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Quá trình kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, vẫn còn nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng, trong đó có cả trường học. Sở đã đề nghị UBND các quận, huyện phải tập huấn Nghị định 117 về các biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, để dịch bùng phát trên địa bàn.
Để hạn chế số ca mắc sốt xuất huyết và lây lan cho cộng đồng, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng cách dành từ 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Người dân cần lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần; dọn dẹp mái hiên, nóc nhà…; đậy kín lu chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, người dân có thể thả cá để diệt lăng quăng; sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Các bác sỹ khuyến cáo, vào mùa mưa, khi trong gia đình có người sốt liên tục từ 2-3 ngày cần nghĩ đến sốt xuất huyết và đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Sau khi xác định mắc sốt xuất huyết, có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà nhưng phải nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo như: sốt li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, xuất huyết niêm mạc, nôn ra máu.