Theo đó, các vệ tinh được gắn trên đỉnh của tên lửa Falcon 9 đã cất cánh vào lúc 9h56 sáng theo giờ địa phương, tức 21h56 theo giờ Hà Nội, tại tổ hợp phóng 40 thuộc Trạm Không quân Cape Canaveral ở bang Florida.
Sau vụ phóng thành công, tầng một của tên lửa đẩy nhẹ nhàng đáp xuống sà lan không người lái "Of Course, I Still Love You" trên Đại Tây Dương, đánh dấu lần thu hồi tầng đẩy thứ 45 của công ty và lần thứ tư của mẫu tên lửa Falcon 9.
"Falcon đã hạ cánh thành công lần thứ tư, nhưng tên lửa đẩy này được thiết kế có thể tái sử dụng đến 10 lần", Lauren Lyons, kỹ sư dự án Starlink cho biết.
Vụ phóng còn là lần đầu tiên SpaceX tái sử dụng phần chóp hình nón ở đầu tên lửa - bộ phận bảo vệ các vệ tinh trong quá trình phóng, có giá trị ước tính lên tới 6 triệu USD.
Mạng lưới Starlink được thiết kế để cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao trên phạm vi toàn cầu. Các vệ tinh sẽ quay quanh Trái Đất ở độ cao khoảng 550 km. Công ty đã phóng loạt 60 vệ tinh Starlink đầu tiên hồi tháng 5 năm nay. Dự án Starlink-2 lần này mang theo số lượng vệ tinh tương tự nhưng là phiên bản hoàn thiện hơn, mỗi chiếc có trọng lượng 227 kg.
Chủ tịch SpaceX Gwynne Shotwell cho biết họ cần thêm 24 lần phóng nữa, tương ứng với 1.500 vệ tinh, để mở rộng vùng phủ sóng ra toàn cầu. Tuy nhiên, từ giữa năm sau, công ty sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở Canada và miền bắc nước Mỹ.
60 vệ tinh được gắn trên đỉnh tên lửa Falcon 9. - Ảnh: Space. |
Chủ tịch tập đoàn Elon Musk hy vọng với Starlink, SpaceX sẽ kiểm soát 3%-5% thị trường Internet toàn cầu - một thị trường tiềm năng có doanh thu khoảng 30 tỉ USD mỗi năm. Nguồn thu từ Starlink có vai trò then chốt trong việc hỗ trợ chi trả cho mục tiêu lớn hơn của tỷ phú Musk là phát triển tên lửa và tàu vũ trụ chở người lên Mặt Trăng và thậm chí tiến tới đưa con người tới Sao Hỏa định cư.
Trong kế hoạch ban đầu, SpaceX dự kiến triển khai tổng cộng 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo từ nay tới năm 2027 để tạo ra một mạng lưới giống như một chòm sao siêu lớn. Tuy nhiên, gần đây, tập đoàn này đã được Chính phủ Mỹ cho phép triển khai thêm 30.000 vệ tinh nữa.
Việc triển khai 42.000 vệ tinh đã khiến một số nhà khoa học và giới thiên văn lo lắng khi cho rằng sự xuất hiện dày đặc của những khối kim loại sáng có thể làm suy giảm nghiêm trọng tầm nhìn ban đêm, cản trở hoạt động của kính viễn vọng cũng như dẫn đến va chạm giữa các vệ tinh.
Với tham vọng phủ sóng tới khắp nơi trên thế giới với tốc độ nhanh và giá rẻ, những vệ tinh thuộc dự án Starlink sẽ được phóng lên quỹ đạo thấp (khoảng 550 km) nhằm giúp thời gian truyền tải Internet nhanh hơn rất nhiều và có thể tránh được tình trạng "chật chội" của quỹ đạo cao, nơi có hàng nghìn vệ tinh khác đang hoạt động.