Máy bay lớn nhất thế giới chính thức cất cánh

(Ngày Nay) - Sau nhiều năm được lắp đặt ở khu vực sa mạc phía bắc thành phố Los Angeles, lần đầu tiên một chiếc máy bay phản lực khổng lồ gồm 6 động cơ với sải cánh tương đương một sân bóng bầu dục Mỹ đã cất cánh vào sáng thứ Bảy.
Máy bay Stratolaunch có kích thước lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN
Máy bay Stratolaunch có kích thước lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN

"Chúng tôi cuối cùng đã làm được", ông Jean Floyd - CEO của Stratolaunch Systems, tuyên bố."Đây là một khoảnh khắc xúc động khi xem con chim này cất cánh".

Stratolaunch, công ty được thành lập vào năm 2011 bởi Paul Allen, người đồng sáng lập Microsoft, đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiếc máy bay lớn nhất thế giới.

"Tôi đã tưởng tượng khoảnh khắc này trong nhiều năm, nhưng tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra cảnh không có Paul đứng cạnh tôi lúc này", Floyd cho biết ông thầm cảm ơn Paul Allen lúc máy bay cất cánh. Paul Allen qua đời vào tháng 10 năm ngoái ở tuổi 65 do mắc bệnh ung thư.

Nói một cách đơn giản, máy bay Stratolaunch là một bệ phóng khổng lồ, được thiết kế để đưa các vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất ở tầm thấp. Nó nhằm mục đích cung cấp cho quân đội, các công ty tư nhân và thậm chí chính NASA một phương án tiết kiệm hơn để du hành không gian.

Mô hình kinh doanh của công ty về việc đưa vệ tinh vào vũ trụ được cho là "dễ như đặt vé máy bay".

Phi công thử nghiệm Evan Thomas đã lái chiếc máy bay phản lực tới tốc độ khoảng 278 km/giờ, leo tới độ cao 4.572 m trước khi trở lại nơi xuất phát sau chuyến bay kéo dài 2 giờ.

"Chiếc máy bay đã vận hành đúng như dự đoán. Thật là tuyệt vời. Tôi thực sự không thể hy vọng nhiều hơn vào chuyến bay đầu tiên, đặc biệt là một chiếc máy bay có độ phức tạp và tính độc đáo này.", Thomas - một cựu phi công điều khiển máy bay chiến đấu F-16, nhận định.

Sải cánh của chiếc máy bay có kích thước hơn 117 m - lớn hơn bất kỳ máy bay nào trên thế giới. Chiều dài của máy bay đạt 72.5 m và đạt khối lượng khoảng 250 tấn. Chiếc máy bay này có 2 buồng lái, được bố trí trong mỗi thân máy bay (nhưng chỉ có 1 chiếc được sử dụng để điều khiển).

"Đây là chiếc máy bay lớn nhất thế giới. Nó rất lớn, dường như nó không thể bay được", Jack Beyer -một nhiếp ảnh gia cho trang NASASpaceFlight.com, nhận định.

Beyer cũng hào hứng chứng kiến sự khởi đầu của xu hướng đang lên của ngành vũ trụ: sử dụng máy bay phản lực để phóng vệ tinh.

Hàng chục nhiếp ảnh gia, blogger công nghệ và những người đam mê hàng không vũ trụ đã tập trung trong tuần này để có cái nhìn thoáng qua chiếc máy bay thân đôi độc nhất.

"Mọi người quan tâm đến chuyến bay đầu tiên của Stratolaunch vì họ muốn tận mắt nhìn thấy tương lai", Beyer nói.

Máy bay phản lực vận tải tên lửa và vệ tinh

Máy bay Stratolaunch sẽ mang tên lửa được nạp vệ tinh, sẽ cất cánh từ sân bay và leo lên độ cao 10.668 km. Ở đó, phi công sẽ phóng tên lửa từ máy bay theo quỹ đạo hướng lên vũ trụ. Chiếc máy bay sau đó sẽ hạ cánh an toàn trở lại tại sân bay, trong khi tên lửa mang vệ tinh tiến vào quỹ đạo Trái Đất.

Stratolaunch được làm chủ yếu từ vật liệu sợi carbon thay vì nhôm. Để tiết kiệm tiền cho việc thiết kế động cơ và thiết bị hạ cánh, chiếc máy bay phản lực này được trang bị 6 động cơ Pratt & Whitney, vốn được thiết kế ban đầu cho máy bay Boeing 747. Thiết bị hạ cánh của nó, bao gồm 28 bánh, cũng được thiết kế cho dòng 747.

Máy bay lớn nhất thế giới chính thức cất cánh ảnh 1

Hệ thống bánh máy bay Stratolaunch. Ảnh: CNN

Việc phóng các vệ tinh nhỏ vào không gian thông qua máy bay cũng hứa hẹn sẽ có chi phí rẻ hơn so với các vụ phóng tên lửa truyền thống vì nó loại bỏ nhu cầu về bệ phóng và tất cả các thiết bị và cơ sở hạ tầng đắt tiền dành cho một vụ phóng tên lửa.

Sử dụng máy bay cũng có thể tiết kiệm chi phí nhiên liệu, bởi một máy bay đốt cháy ít nhiên liệu hơn so với tên lửa truyền thống.

Ngoài ra, thời tiết xấu sẽ không còn là vấn đề khi tiến hành phóng vệ tinh, những cơn bão có thể trì hoãn một vụ phóng tên lửa truyền thống, nhưng một chiếc máy bay phản lực có thể cất cánh và bay qua khu vực thời tiết xấu rồi sau đó phóng vệ tinh.

Chuyến bay đầu tiên của chiếc máy bay lớn nhất thế giới đã giúp cho các lãnh đạo Stratolaunch có thể hướng tới các chiến lược kinh doanh trong tương lai.

Hiện thị trường dịch vụ phóng vệ tinh thương mại đang phát triển nhanh chóng và dự kiến sẽ đạt 7 tỷ USD vào năm 2024, theo Global Market Insights.

Tuy nhiên, các phi công sẽ phải bay thử nhiều lần nữa trước khi được Cục Hàng không Liên bang Mỹ kiểm tra và chứng nhận. Nếu tất cả diễn ra theo kế hoạch, Stratolaunch cho biết máy bay dự kiến sẽ phóng vệ tinh đầu tiên vào năm sau.

Theo CNN
BTC chương trình với nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm mang đến những kỷ niệm đẹp cho các bạn học sinh Ảnh: BTC.
Điểm nhấn thú vị trong ngày hội tư vấn tuyển sinh Diễn Châu 3 Open Day
(Ngày Nay) - Tiếp nối 14 mùa tổ chức thành công rực rỡ, Diễn Châu 3 Open Day 2025 đã chính thức khởi động trở lại với chủ đề “Dream Catcher”. Với tinh thần nhiệt huyết cùng những giá trị thiết thực, chương trình nhận được sự hưởng ứng và quan tâm đông đảo từ phía học sinh cũng như các bậc phụ huynh.
Google đối diện rắc rối pháp lý mới
Google đối diện rắc rối pháp lý mới
(Ngày Nay) -  Ngày 6/1, Google cho biết công ty con này của Alphabet đang phải đối mặt với khiếu nại thứ hai từ tổ chức đại diện quyền lợi cho người lao động Mỹ.
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút và giữ chân giáo viên mầm non là một thách thức lớn đối với nhiều địa phương. Tại tỉnh Tây Ninh, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang trở thành một vấn đề nan giải, mặc dù ngành Giáo dục đã nỗ lực tuyển dụng.
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
(Ngày Nay) - Điện ảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng, khi sự cạnh tranh không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nội địa mà còn đối diện với làn sóng mạnh mẽ từ các nền điện ảnh châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.