Spotify đã được cấp bằng sáng chế cho công nghệ được cho là sẽ cho phép nền tảng này cá nhân hóa nội dung âm nhạc dựa trên giọng nói, cảm xúc và thậm chí cả cách phát âm của người dùng.
Nhằm tìm hiểu sâu hơn về tính cách của người dùng, Spotify đã cho ra mắt “phương pháp xử lý tín hiệu âm thanh được cung cấp bao gồm nội dung giọng nói và tiếng ồn xung quanh”, sau đó “xác định nội dung có thể phát, dựa trên tín hiệu âm thanh đã được xử lý".
Công nghệ mới được cho là sẽ có thể phát hiện “trạng thái cảm xúc, giới tính, tuổi tác hoặc giọng nói” của người dùng và sau đó phân loại dữ liệu thành các danh mục bao gồm “vui vẻ, tức giận, buồn bã hoặc trung tính” bằng cách phân tích cái gọi là "môi trường siêu dữ liệu".
Siêu dữ liệu này có thể bao gồm bất kỳ tiếng ồn nào xung quanh người dùng, chẳng hạn như “âm thanh từ xe cộ trên đường phố, người khác nói chuyện, chim hót líu lo, tiếng máy in".
Dữ liệu thu thập được sẽ được xử lý theo khung cảm xúc của Parrot - danh sách cảm xúc có cấu trúc dạng cây bao gồm các mức độ khác nhau, cùng mô hình Markov ẩn được sử dụng để thống kê các trạng thái chưa biết bằng cách quan sát những trạng thái đã biết.
Hiện tại vẫn chưa biết liệu công nghệ mới này có thực sự được triển khai vào ứng dụng hay không.
"Spotify đã nộp đơn đăng ký bằng sáng chế cho hàng trăm phát minh và chúng tôi thường xuyên nộp đơn mới. Một số bằng sáng chế này trở thành một phần của các sản phẩm trong tương lai, trong khi những bằng sáng chế khác thì không", người phát ngôn của Spotify cho biết. "Tham vọng của chúng tôi là tạo ra trải nghiệm âm thanh tốt nhất hiện có".
Sau khi tin tức này được công bố, nhiều người dùng Spotify đã phản ứng tiêu cực với phát minh mới nhất của nền tảng này do lo ngại vấn đề riêng tư.
"Họ nói rằng họ đề xuất bài hát dựa trên giọng nói của tôi, nhưng giọng nói của tôi thì liên quan gì tới sở thích nghe nhạc?", một người dùng bình luận.