Mục đích (của hình thức giảng dạy mới) là để phát triển năng lực của giới trẻ cho tương lai. Chúng ta đang nói về các kỹ năng kỹ thuật số, kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, viết, đọc và tư duy sáng tạo... được truyền đạt thông qua phương pháp sáng tạo. Dự án nằm trong nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, nhằm trang bị cho thanh niên trước những thách thức của thế kỷ 21. Có thể kể đến SDG3 vì cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc, SDG4 cho giáo dục chất lượng, SDG5 cho bình đẳng giới...
Tiến sĩ Hisham Ramadan
Được tài trợ bởi Trung tâm Cứu trợ và Viện trợ Nhân đạo King Salman, hợp tác với Quỹ Kayany, sáng kiến này là một phần của dự án UNESCO “Giáo dục cơ bản cho người tị nạn Syria”, được khởi xướng vào năm 2018, tạo điều kiện cho hơn 8.200 học sinh Syria nhận được dịch vụ về giáo dục và tâm lý, thông qua sự hỗ trợ của 600 giáo viên.
Cho đến nay, hơn 70 học sinh trong độ tuổi từ 14, 15 đã tham gia vào chương trình kể chuyện và sản xuất nhiều câu chuyện theo quy trình 4 bước: (1) phát triển ý tưởng và viết câu chuyện, (2) chuyển thể thành bản vẽ, (3) số hóa và (4) hoàn thiện các mẫu trên máy tính.
Mẩu truyện được học sinh tị nạn người Syria thực hiện. |
"Đó là một trải nghiệm còn hơn cả đặc biệt," một học sinh tham gia dự án chia sẻ, "Cháu đã học được rất nhiều về cách sử dụng phần mềm và cách viết một câu chuyện thành công từ việc lựa chọn chủ đề cho đến thiết kế. Cháu mong có thể ứng dụng và thực hành được những kỹ năng mới này trong tương lai."
Những học sinh tham gia sáng tác truyện tranh có quyền lựa chọn viết câu chuyện của mình, lấy cảm hứng từ cuộc sống hoặc trải nghiệm cá nhân. Việc này được xem là khía cạnh trị liệu tâm lý của dự án. Các em có thể chia sẻ nỗi sợ hãi và cảm xúc thông qua những hình vẽ, những câu chuyện, cũng như thể hiện suy nghĩ của bản thân thông qua nhân vật.
Tiến sĩ Hisham nhận định: “Nhiều trong số những câu chuyện này liên quan đến sự bất an. Những vấn đề, lo lắng phát sinh khi gia đình thiếu vắng hình bóng người cha, hoặc khi người cha không thể nuôi sống cả gia đình. Các nhân vật như anh hùng hoặc vị cứu tinh cũng xuất hiện, đôi khi sử dụng phép thuật để giải quyết các vấn đề phát sinh. Với tư cách giáo viên, chúng tôi tiết chế những yếu tố này bằng cách giải thích rằng điều này không thường xuyên xảy ra trong cuộc sống thực, đồng thời cố gắng không để các em đưa ra cái kết quá kịch tính hoặc không vui vẻ. Những câu chuyện này, theo một cách nào đó, vẫn là lối thoát cho những đứa trẻ này khỏi cuộc sống hiện thực hàng ngày.”