Trải nghiệm du lịch cộng đồng
Nằm dưới chân núi Lang Biang huyền thoại, buôn B’Nớ C, thị trấn Lạc Dương là nơi sinh sống lâu đời của người Lạch (dân tộc K’Ho). Đây là một trong những điểm bảo tồn tốt văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho, đồng thời là một trong những điểm đến nổi tiếng ở Lâm Đồng. Hiện tại, nơi đây có hơn 70 hộ dân thuộc cộng đồng dân tộc K’Ho tham gia dệt thổ cẩm, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của du khách khi đến vùng đất này.
Sản phẩm thổ cẩm chủ yếu của đồng bào là các tấm ùi, có đủ loại kích cỡ (dài 1,2 - 1,5 m; rộng 20 - 30 cm) tùy theo công dụng để làm váy, áo mặc trong các dịp lễ hội, chăn đắp hay vải để địu con. Để dệt một tấm thổ cẩm tốn rất nhiều thời gian, công sức, do đó, người dệt thổ cẩm ngày một ít. Khi mô hình du lịch cộng đồng ra đời, lượng khách đến tham quan và mua sản phẩm nhiều hơn đã tạo động lực cho người dân, đặc biệt là lớp trẻ ý thức học dệt thổ cẩm.
Không chỉ mang đến cho du khách trải nghiệm từ quy trình sản xuất thổ cẩm, cộng đồng dân tộc K’Ho tại buôn B’Nớ C còn để lại dấu ấn với hoạt động sản xuất cà phê sạch. Tại đây, du khách biết đến mô hình trưng bày sản phẩm cà phê đặc sản Arabica; trải nghiệm, tìm hiểu quy trình sản xuất cà phê sạch, mua cà phê làm quà...
Chị Rolan Cơ Liêng - chủ doanh nghiệp K'Ho Coffee được coi là “Trung tâm lữ hành” của buôn. Sử dụng tiếng Anh thành thạo, chị Rolan thường xuyên đón những đoàn khách nước ngoài tới buôn làng. Sau khi giới thiệu cho khách về đặc sản cà phê địa phương, chị còn sẵn sàng đưa khách đi khắp buôn, kể cho họ về những nét văn hóa bản địa, cuộc sống của người dân, về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình. “Đó cũng là một cách làm du lịch rất riêng của buôn làng” - chị Rolan tâm sự.
Cách buôn B’Nớ C 2km, ngay trung tâm của huyện Lạc Dương, mô hình du lịch cộng đồng Tẹ & Saly (312 Langbiang, tổ dân phố BonDơng II, thị trấn Lạc Dương) thu hút rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm. Tại Tẹ & Saly, du khách sẽ được hòa mình vào đêm nhạc giao lưu văn hóa với không gian đậm chất dân tộc từ những nét đẹp trong lao động sản xuất của đồng bào K’Ho. Các thành viên trong đêm nhạc là nhiều thế hệ trong gia đình. Khu Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Ho - Tẹ & Saly đón 400 - 600 lượt khách mỗi đêm giao lưu văn hóa.
Xây dựng với quy mô khép kín, bên cạnh tận hưởng bữa tiệc âm nhạc, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương. Nổi bật nhất là món thịt nướng và rượu cần. Theo bà Saly - người sáng lập và phát triển mô hình du lịch cộng đồng này, toàn bộ thức ăn đều do những người trong nhà chuẩn bị. Gia vị dùng để nêm nếm đều là đặc trưng của vùng. Rượu cần được cung cấp bởi người dân tộc K’Ho.
Trải nghiệm du lịch cộng đồng tại tổ dân phố BonDơng II, thị trấn Lạc Dương, anh Denis (du khách đến từ Mỹ) chia sẻ :" Tôi được một người bạn Việt Nam giới thiệu mô hình du lịch này, nó thực sự rất thú vị. Tôi yêu văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đồ ăn rất ngon, tôi đã thử hết tất cả các món. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời, nhất định tôi sẽ quay trở lại".
Bảo tồn giá trị di sản văn hóa dân tộc
Du lịch cộng đồng là một trong những mô hình tốt nhất để vừa làm du lịch vừa giữ gìn bản sắc văn hóa. Nói đến du lịch cộng đồng là nói đến các dịch vụ tại chỗ; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa địa phương, bảo vệ tài nguyên môi trường. Du lịch cộng đồng thúc đẩy nghề nghiệp truyền thống phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa.
Theo ông Ha Tiên, Bí thư Chi bộ buôn B’Nớ C, trong quá trình làm du lịch, người dân đã có ý thức hơn trong xây dựng, gìn giữ văn hóa truyền thống cũng như gìn giữ vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan. Nhờ có du lịch cộng đồng, đời sống của bà con đầy đủ hơn, thể hiện rõ trên từng đường thôn, ngõ xóm, những con đường đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp.
Anh Kră Jan, một thành viên trong cộng đồng Tẹ & Saly nói: "chúng tôi có thể lan tỏa những điệu nhạc, điệu nhảy đặc trưng của dân tộc mình đến nhiều người hơn. Thay vì chỉ ngồi hát, múa để giải trí, chúng tôi coi đây là nghề, là trách nhiệm, để từ đó ý thức được giá trị của văn hóa dân tộc mình".
Không những vậy, du lịch cộng đồng này còn góp phần cải thiện vấn đề kinh tế cho người dân địa phương. Nhiều gia đình thoát nghèo, có thu nhập ổn định nhờ phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Bà con dân tộc nơi đây rất phấn khởi. Bà Saly chia sẻ, trước kia, mọi người trong gia đình không có việc làm ổn định. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, mô hình này đã giúp con em, họ hàng mình có việc làm, có thu nhập ổn định.
Huyện Lạc Dương xác định du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm đặc trưng, có thể phát huy bản sắc văn hóa địa phương và có tính cạnh tranh cao. Trước xu hướng khách du lịch đến với Lạc Dương ngày càng đông, huyện đã xây dựng hướng đi phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng, bên cạnh việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch khác.
Ông Cao Anh Tú, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lạc Dương cho biết, huyện đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch phong phú gắn với các hoạt động sinh hoạt văn hóa tập trung; chú trọng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Toàn huyện có hơn 70% đồng bào dân tộc bản địa sinh sống, phần lớn là người K’Ho. Cuộc sống ngày càng văn minh, hội nhập nhưng bà con vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo. Đó là không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội, âm nhạc truyền thống, nghề dệt thổ cẩm và văn hóa rượu cần.
Để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lạc Dương đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng triển khai các dự án “Hỗ trợ đầu tư bảo tồn mỗi làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số”, hỗ trợ và khuyến khích bảo tồn làng - bản, văn hóa truyền thống dân tộc K’Ho.
Năm 2022, lượng khách du lịch đến huyện đạt hơn 2,1 triệu lượt, doanh thu đạt gần 188 tỷ đồng (ngành Du lịch tăng 594,6% về lượng khách và 390,3% về doanh thu so với cùng kỳ năm trước; đạt 163% về lượng khách và 234,8% về doanh thu so với kế hoạch cả năm). Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 31/5/2021 của Huyện ủy Lạc Dương đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón khoảng 3 triệu lượt khách, đạt doanh thu trên 395 tỷ đồng và tạo việc làm trực tiếp cho 3.000 lao động chủ yếu là người địa phương.