Suy thoái kinh tế tác động trực tiếp đến bữa ăn người nghèo
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế phân tích, diễn biến ở các trung tâm thương mại và chợ truyền thống trong thời gian qua đã phản ánh khá đầy đủ về sự phân hóa giàu nghèo trong một bộ phận người dân. Một ví dụ đơn giản nhất, đối với chủ chuỗi nhà hàng hải sản có chục cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Trong thời điểm kinh tế sôi động, họ có thể mở rộng quy mô, thuê mướn mặt bằng và đầu tư sinh lời. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, thu nhập hàng ngày có thể vài trăm triệu đồng. Với khoản thu nhập trên, mỗi ngày họ cũng chỉ chi tiêu vài chục triệu đồng cho sinh hoạt gia đình mà không thể ăn uống những món sơn hào hải vị ngon hơn được nữa.
Kinh tế suy thoái, dù các ông chủ có thu hẹp quy mô kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày ở mức cao cấp. Họ không có những khoản dư ra để tích trữ mua thêm các tài sản khác, nhưng hầu hết tất cả để đảm bảo thu nhập để sống ở mức gọi là thượng lưu.
Đối với những người dân có mức thu nhập trung bình và thấp là câu chuyện hoàn toàn trái ngược. Tiến sĩ Nhân dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê ghi nhận trong 9 tháng năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 760 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều sạp chợ trong tình cảnh đóng cửa do không có người mua hàng. |
Nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa cải thiện về chất lượng khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tính chung 9 tháng qua, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm gần 65%, và chỉ giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Điều này có thể thấy được rằng, tác động suy thoái kinh tế tại TP.HCM phần lớn chỉ ảnh hưởng trực diện vào những người dân có thu nhập từ mức trung bình cho đến tầng lớp lao động. Do đó, kéo theo nhu cầu mua sắm ở các chợ truyền thống mà chủ yếu phục vụ cho người lao động có thu nhập trung bình giảm là tất yếu.
Mặc khác, ở những trung tâm thương thương mại kinh doanh các loại hàng hóa phục vụ cho tầng lớp trung lưu giảm rõ rệt tương tự như chợ truyền thống. Cũng bởi, trải qua các cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới và Việt Nam gần đây hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, tầng lớp thượng lưu thường làm chủ được tài chính hơn đối với tầng lớp trung lưu và người lao động có thu nhập thấp.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân lập luận, người có thu nhập trung bình và người lao động là tầng lớp bị phụ thuộc hay nói cách khác là bị sự tác động trực tiếp từ các chính sách bảo toàn vốn của tầng lớp thượng lưu. Chẳng hạn, chuỗi nhà hàng kinh doanh hải sản như đề cập như trên là một ví dụ điển hình rõ nét nhất.
Kinh tế suy thoái, hàng xa xỉ phẩm lên ngôi
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm 2023, thị trường bán lẻ cao cấp tại TP.HCM đã xuất hiện nhiều thương hiệu danh tiếng, như: Loewe, Van Cleef & Arpels, Breitling,... Các thương hiệu này đều đã lựa chọn cho mình những mặt bằng tại trung tâm quận 1, tập trung trên trục đường Đồng Khởi.
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Trưởng Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills TP.HCM. |
Theo quan sát của Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills TP.HCM, trong giai đoạn cuối năm, thị trường sẽ chứng kiến sự sôi động hơn của phân khúc bán lẻ cao cấp với các hoạt động khai trương cửa hàng mới. Phân tích về sức hút của TP.HCM đối với các thương hiệu này, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Cho thuê Bán lẻ Savills TP.HCM cho biết, sự tăng trưởng của tầng lớp có thu nhập cao và tâm lý chi tiêu phóng khoáng cho các mặt hàng xa xỉ, cao cấp nổi tiếng là một trong những yếu tố then chốt.
Yếu tố khác đến từ nguồn cung mặt bằng chất lượng cao tại thành phố trong năm 2023. Theo bà Quyên, sau khi nhiều mặt bằng đắc địa đã hoàn tất kế hoạch cải tạo, nâng cấp dự án, các thương hiệu đã có nhiều lựa chọn hơn trong việc chọn địa điểm để đặt cửa hàng phù hợp với chiến lượng kinh doanh của mình.
Bên cạnh những diễn biến tích cực trên, chuyên gia Savills cũng đưa ra một số khó khăn của thị trường trong giai đoạn nền kinh tế có sự chững lại. Bà Quyên dẫn chứng: “Tại TP.HCM, các thương hiệu ở phân khúc trung bình đang gặp nhiều thách thức khi doanh số giảm 20-30% so với kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do nhóm người tiêu dùng của phân khúc này thường nhạy cảm hơn về giá thành các sản phẩm. Khi nền kinh tế chung khó khăn họ có xu hương thắt chặt hơn về chi tiêu cũng như cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố giá thành khi mua sắm”.
Chợ truyền thống rơi vào trạng thái vắng vẻ lạ thường trong cơn suy thoái. |
Các thương hiệu và các đơn vị bán lẻ đang đồng loạt đưa ra nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu giai đoạn cuối năm cũng như tăng tốc độ tiêu thụ các sản phẩm tồn kho trước thềm năm 2024.
Cùng với đó, mối lo chực chờ từ phát triển của thương mại điện tử đối với các sản phẩm hàng hóa vẫn còn hiện hữu. Thói quen mua sắm trực tuyến đang trở nên phổ biến hơn sau giai đoạn đại dịch Covid-19. Điều này đồng nghĩa với việc các cửa hàng và trung tâm mua sắm cần cung cấp nhiều trải nghiệm hơn để thu hút và giữ chân người tiêu dùng.
Bà Trần Phạm Phương Quyên đúc kết vấn đề: “Đối với các doanh nghiệp phát triển các dự án bán lẻ thì tình trạng lạm phát đang làm tăng chi phí xây dựng và nhân công. Do đó, các chủ tài sản đang phải kỳ vọng rất lớn vào niềm tin của các thương hiệu, cửa hàng và từ đó thúc đẩy giá thuê”.